Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Nâng mức xử phạt với hành vi "bỏ cọc"
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật quy định trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc.
Trong quá trình tiếp thu, giải trình, nhiều ý kiến đề nghị nâng mức tiền đặt trước để hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ nhằm thông đồng, dìm giá, ‘bỏ cọc’ sau khi trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở quy định tiền đặt trước từ 5 - 20% như nêu trong dự thảo luật, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về mức tiền đặt trước.
Đại biểu cũng cho rằng cân nhắc quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá và phương án xử lý tiền đặt trước tại dự thảo luật.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng ‘bỏ cọc’ sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.
Do vậy, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá ‘bỏ cọc’ phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.
Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp ‘bỏ cọc’ không thực hiện kết quả trúng đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Thậm chí, đề nghị cấm tham gia đấu giá với người có hành vi vi phạm gây lũng đoạn thị trường ít nhất là 5 năm.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, do đó không nên quy định xử lý hành chính, hình sự. Đồng thời, quy định người trúng đấu giá được từ chối kết quả trúng đấu giá do có sự kiện bất khả kháng.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, điều 218 của Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản và chế tài hình sự đối với hành vi thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Ngoài ra, Nghị định 82 của Chính phủ đã có các quy định cụ thể về chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm tương ứng, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá. Song mức xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 82 của Chính phủ hiện chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
“Đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Nghị định 82 theo hướng bổ sung và nâng mức xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với hành vi bỏ cọc, thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản”, ông Thanh nêu.
Gộp tài sản thành một lô để đấu giá sẽ làm khó người dân
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến quy định 'gộp các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để bán đấu giá’.
Theo ông Giang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá, việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, quy định như vậy không rõ ràng và dễ xảy ra tiêu cực. Ông Giang nêu ví dụ về việc bán đấu giá tài sản công khi gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản sẽ gây khó khăn cho cá nhân, người dân khi đấu giá.
Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, trong trường hợp cần thiết phải đấu giá hai bước. Trong đó, bước đầu bán đấu giá riêng lẻ. Bước thứ hai có thể bán lô theo dạng thanh lý. Như vậy sẽ đảm bảo sự tham gia của tổ chức, cá nhân, đồng thời đảm bảo sự minh bạch trong việc đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản của Nhà nước.
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá trong dự luật.
Đại biểu phân tích, đấu giá biển số xe là tài sản phải bán thông qua đấu giá theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Nghị quyết này chỉ được thực hiện thí điểm trong 3 năm.
Đại biểu cũng cho rằng, việc đấu giá biển số xe trong thời gian vừa qua đang được thực hiện với những kết quả nhất định. Do đó, sau khi nghị quyết này hết hiệu lực, biển số xe cũng cần được đấu giá theo quy định của pháp luật.
“Nếu đưa ngay vào dự thảo Luật sửa đổi lần này thì sẽ đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật”, đại biểu đoàn Khánh Hòa nêu quan điểm.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào sáng mai
Sáng 22/5, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước. Sau khi kết quả được công bố, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Bắc Ninh bổ nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ngày 21/5, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, bổ nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thêm nhiệm vụ mới
Theo quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.