Ngày 31/5, theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất nội dung trên tại dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong giai đoạn 2021-2030, nhà chức trách hàng không đề xuất quy hoạch 28 cảng hàng không, giữ nguyên số lượng như quy hoạch hiện hành. Trong đó, 14 cảng hàng không quốc tế gồm: Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.
Sau thành công của các sân bay đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Cục Hàng không đang đề xuất có thêm sân bay tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý. Ảnh: Thế Sơn. |
14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Ngoài ra, Cục Hàng không kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại các đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận).
Đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch 29 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội (bổ sung sân bay Cao Bằng); duy trì vị trí quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng là Tiên Lãng, từng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 2011 nhằm dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi.
Trong 10 năm tới, Cục Hàng không đề nghị ưu tiên đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn như Long Thành giai đoạn 1; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; đầu tư xây dựng và mở rộng các sân bay Điện Biên, Côn Đảo, Sa Pa, Phan Thiết, Thọ Xuân...
Trước đó UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn T&T về việc chấp thuận nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không Quảng Trị. Doanh nghiệp được chấp thuận là nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay trị giá 8.014 tỷ đồng này.