Liên danh nhà đầu tư Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vừa có văn bản gửi Bộ GTVT sau 3 tháng triển khai thu phí tại một trong 2 trạm thu phí của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.
Theo Cienco 4, sau 3 tháng vận hành, tổng số vé bán ra gần 150.000 vé; tổng doanh thu của trạm gần 6,7 tỷ đồng. Số tiền thu được không đủ trả lãi và gốc cho ngân hàng, có nguy cơ phá sản.
Hiện nay, nhà đầu tư triển khai thu phí trên tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới, dẫn đến phương tiện tránh trạm thu phí, tập trung đi vào quốc lộ 3 cũ gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Việc này dẫn đến dự án không phát huy được tác dụng và ảnh hưởng đến phương án tài chính của doanh nghiệp.
Chủ đầu tư muốn bán lại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho Nhà nước. Ảnh: Văn Chương. |
Để giải quyết tình trạng này, nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT thực hiện một trong hai phương án. Thứ nhất, liên danh này đề nghị Bộ GTVT cho phép thu phí cả trên tuyến mới và quốc lộ 3 theo đúng hợp đồng.
Phương án hai, nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT "trưng mua" dự án với số tiền gần 2.800 tỷ đồng.
"Để dự án không phá sản, vì cuộc sống của toàn bộ cán bộ công nhân viên cùng gia đình của nhà đầu tư, đề nghị Bộ GTVT xem xét quyết định...", liên danh này kiến nghị.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65 km. Trong đó, hợp phần quốc lộ 3 mới, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc dài 40 km, bề rộng nền đường 12 m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo hợp đồng BOT, dự án sẽ đặt hai trạm thu giá để hoàn vốn. Một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm đặt trên quốc lộ 3 cũ. Nhưng cuối năm 2017, dự án mới được cấp thẩm quyền cho phép thu giá một trạm trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25/1/2018.
Tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đã hoàn thành và thu phí từ 25/1. Ảnh: Google Maps. |