Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Đề xuất người có chức vụ của Bộ Quốc phòng phải kê khai tài sản

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công viên chức quốc phòng và người làm công tác cơ yếu sẽ được kiểm soát tài sản, thu nhập để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Bộ Quốc phòng đã ban hành dự thảo (lần 6) Thông tư quy định việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thuộc bộ này để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Mục đích của việc ban hành thông tư để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Đồng thời, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, xây dựng quân đội trong sạch, vững mạnh.

Theo dự thảo, thành phần được kiểm soát tài sản, thu nhập gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công viên chức quốc phòng; đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong Bộ Quốc phòng; người làm công tác cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Về nguyên tắc kê khai, dự thảo quy định người có nghĩa vụ kê khai phải tự giác báo cáo chỉ huy để đăng ký kê khai bổ sung khi có biến động tài sản, thu nhập trong năm từ 300 triệu đồng trở lên.

Bản khai của người kê khai tài sản, thu nhập phải công khai tại đơn vị của người đó. Đây cũng được coi là tài liệu được lưu trong hồ sơ cán bộ, nhân viên.

Theo dự thảo, Bộ Quốc phòng đề xuất 2 nhóm cần kê khai lần đầu. Họ gồm: Cán bộ, nhân viên thuộc đơn vị của bộ; cán bộ, nhân viên sau khi nhận quyết định phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tuyển dụng và tuyển chọn.

Ba nhóm khác phải kê khai trước ngày 31/12 hàng năm, gồm: Người giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự, bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và vị trí tương đương trở lên; người giữ các chức vụ kiểm tra viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm phán, kiểm toán, quản giáo...; người quản lý doanh nghiệp hoặc đại diện phần vốn do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

"Tài sản, thu nhập phải kê khai là những tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người kê khai, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên theo Luật Phòng chống tham nhũng", dự thảo đề xuất.

Cũng theo dự thảo, người giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự, bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và tương đương trong đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ do Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản. Các trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát.

Còn Thanh tra Bộ Quốc phòng sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của các nhóm còn lại. Cơ quan thanh tra còn có trách nhiệm xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Quốc phòng cũng nghiêm cấm các hành vi kê khai nguồn gốc tài sản không trung thực, không đầy đủ hoặc tẩu tán, che giấu tài sản; cố ý làm sai lệch hồ sơ kê khai; lợi dụng việc kê khai tài sản để xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác.

Giả mạo trung tướng quân đội, vị giám đốc đối mặt hình phạt nào?

Theo luật sư, 2 bị can có thể nhận hình phạt 2 năm tù. Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định họ giả mạo để lừa đảo thì Phúc và Nhật sẽ bị điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm