Đây là đề xuất được thống nhất trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật tại Hà Nội ngày 5/12.
Theo đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam ông Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ ông Ulaan Chultem đã thống nhất đề xuất với hai Chính phủ về việc mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam và Bộ trưởng Lương thực Mông Cổ đã thống nhất đề xuất với hai Chính phủ về việc mở đường bay thẳng giữa hai nước. Ảnh minh họa: Hanotours. |
Đường bay thẳng giữa Việt Nam - Mông Cổ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác về thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Hiện nếu muốn di chuyển tới nước còn lại bằng đường hàng không, hành khách hai nước phải bay một điểm dừng, phổ biến nhất là quá cảnh tại Trung Quốc, hoặc bay thuê chuyến.
Cùng với đó, phía Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Mông Cổ sớm thúc đẩy việc mở tuyến đường biển, tạo thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán hàng hóa nông sản giữa hai nước.
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù có tiềm năng hợp tác, phát triển lớn nhưng hiện hai bên mới đặt mục tiêu thấp về thương mại, dự kiến năm 2020 kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 100 triệu USD.
Trong năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ đạt 31,5 triệu USD, giảm 53,6% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 18,7 triệu USD, tăng 29,8%, chủ yếu là điện thoại và linh kiện, gạo, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc. Ở phía ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam đạt 12,8 triệu USD, giảm 76,1%, mặt hàng chủ yếu là đồng thỏi.
“Khi có cảng biển, tất cả các sản phẩm nông sản thô của hai bên sẽ trao đổi rất thuận lợi, thậm chí với tiềm năng đồng cỏ rộng mênh mông ở thảo nguyên Mông Cổ thì Việt Nam có thể nhập khẩu 5-10 triệu tấn cỏ. Và trong tương lai xa hơn, Việt Nam có thể nhập khẩu phân bón hữu cơ của Mông Cổ qua đường biển”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.