Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất không giảm thuế VAT với chứng khoán, bất động sản

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế VAT 2% với nhóm hàng hoá ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...

Chính phủ vừa có tờ trình mới gửi Quốc hội về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp thứ 23.

Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, xuống còn 8% trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay.

Đáng chú ý, điểm mới ở tờ trình này là Chính phủ quyết định không đề xuất giảm thuế VAT 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% như trước đó.

Cụ thể, việc giảm thuế này sẽ không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đây cũng là chính sách đã thực hiện trong năm 2022.

Trước đó, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%, xuống còn 8%.

Tuy nhiên, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành mở rộng phạm vi giảm thuế cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin... mà chỉ thực hiện như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Hiện Chính phủ đã tiếp thu ý kiến này.

Chính sách giảm thuế VAT được đưa ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước theo dự báo vẫn phức tạp cũng như còn nhiều khó khăn. Các kết quả như tăng trưởng GDP quý I cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 5,6%. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu sa thải nhân sự, giãn việc cho công nhân do bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, ảnh hưởng tới đời sống một bộ phận lao động.

Chính phủ tin rằng cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để tiếp tục duy trì đà phục hồi. Trên thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí thời gian qua và đặc biệt trong năm 2022 đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách.

Do đó, Chính phủ đánh giá ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai cho năm 2023 thì việc tiếp tục giảm thuế VAT như đã áp dụng năm ngoái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT đến hết năm nay

Chính sách này sẽ có hiệu lực thi hành từ khi Nghị quyết được thông qua đến hết năm nay, tương đương thời gian dự kiến áp dụng trong vòng 6 tháng.

Chính phủ chốt phương án giảm thuế VAT xuống 8%

Dự kiến việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, tương đương 35.000 tỷ đồng trong giai đoạn 6 tháng thực hiện.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm