Trước thực trạng ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 "ôm nợ" tiền tỷ, nhiều tỉnh miền Trung tổ chức các cuộc họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, cho biết Chính phủ ban hành Nghị định 67 nhằm giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chưa lường hết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đã gây ra hệ lụy nhiều "tàu 67" hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là tàu vỏ thép.
Tàu thép được đóng theo Nghị định 67 gỉ sét, hỏng nặng ở Cảng Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng. |
Bất cập từ bảo hiểm, thiết kế tàu
Ông Phương cho rằng ngư dân chưa nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của Nghị định 67, nguồn vốn đóng tàu là ngư dân vay của ngân hàng, chứ không phải là của Nhà nước cấp. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và một số chính sách về bảo hiểm, cơ chế thực hiện.
Đối với tàu cá vỏ thép sử dụng vật liệu đóng tàu mới, ngư dân chưa có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng, thiết kế tàu chưa phù hợp với ngành nghề khai thác, cộng với tàu cá vỏ thép tiêu hao nhiên liệu nhiều nên chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài ra việc thực thi chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 đối với tàu vỏ thép chưa kịp thời khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định của Nghị định 67, Nhà nước hỗ trợ ngư dân 100% phí bảo hiểm thân vỏ tàu và ngư lưới cụ, nhưng đến khi thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 67) thì giảm xuống còn 50%. Nghị định này còn quy định đối với tàu cá vỏ thép được Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng không quá 1% tổng giá trị con tàu, nhưng đến nay không có chủ tàu nào được thụ hưởng.
Nhiều hạng mục, thiết bị của tàu thép đóng theo Nghị định 67 hoen gỉ, mục nát ở nhiều cảng biển miền Trung. Ảnh: Minh Hoàng. |
Để xử lý những chủ “tàu 67” phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, cơ quan chức năng cần rà soát đánh giá và phân loại từng trường hợp cụ thể. Những chủ tàu làm ăn hiệu quả nhưng cố tình chây ỳ, không thực hiện trả nợ thì ngân hàng khởi kiện.
Đối với những chủ tàu thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí nhiên liệu tăng cao... thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại nên chia sẻ, tạo điều kiện cho ngư dân tái sản xuất thông qua việc khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi...
Chia sẻ cùng ngư dân, ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế xử lý rủi ro đặc thù riêng cho vay theo Nghị định 67.
Doanh nghiệp Bảo hiểm cần tiếp tục bán bảo hiểm cho những tàu cá vay vốn theo Nghị định 67, tránh hiện tượng từ chối bán bảo hiểm do yếu tố chủ quan hoặc chỉ bán bảo hiểm với giá trị thấp so với giá trị thực của con tàu. Điều này không những gây thiệt hại cho ngư dân mà còn gây tổn thất cho Ngân hàng nếu không may xảy ra rủi ro.
Tàu thép bị bỏ hoang gỉ sét ở Cảng Đề Gi, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng. |
Thực tế, sau khi Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, một số ngư dân có nhu cầu đã nhờ Chi cục Thủy sản tỉnh giới thiệu những chiếc “tàu 67” sản xuất kém hiệu quả để mua lại. Tuy nhiên khi mua lại “tàu 67”, chủ tàu mới phải “gánh” luôn cả khoản nợ trước đó của chủ tàu cũ là quá bất cập. Điều này khiến các “tàu 67”, trong đó có tàu cá vỏ thép không có cơ hội tiếp tục vươn khơi.
Đề xuất khoanh, giãn nợ cho ngư dân
Từng là tỷ phú ở các làng chài ven biển miền Trung nhưng giờ đây hàng loạt chủ tàu vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 lại lâm cảnh trắng tay, có người "gánh nợ" từ 17 đến 20 tỷ, bị ngân hàng siết nợ mất cả nhà cửa.
Cuộc sống lâm cảnh bi đát, họ viết nhiều đơn thư cầu cứu nhiều Bộ, ngành Trung ương, địa phương xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tạo cơ hội việc làm để sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, phân tích không mua được bảo hiểm là một trong những nguyên nhân khiến tàu thép nằm bờ, ngư dân vướng nợ xấu. Các ngân hàng thương mại cần xem xét từng trường hợp để cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, lãi sau để hỗ trợ phần nào cho ngư dân.
Theo ông Bình, thực tế cùng một nghề đánh bắt nhưng tàu thép ra khơi tốn kém nhiều chi phí, cần nhiều lao động hơn tàu vỏ gỗ. Nếu như các tàu vỏ gỗ làm cùng nghề chỉ cần 7-8 lao động thì tàu thép cần từ 12-15 lao động cho mỗi chuyến biển.
Mức thu nhập thấp, khó tìm lao động nên chủ tàu đành đưa phương tiện về bỏ hoang, gỉ sét ở các cảng biển miền Trung. Lẽ ra để vận hành các tàu thép thì ngư dân cần được trang bị kiến thức cho nghề cá hiện đại nhưng họ chủ quan không nâng cao tay nghề nên lúng túng khi ra khơi.
Còn tại Khánh Hòa, các ngân hàng đã khởi kiện 11 chủ tàu đóng theo Nghị định 67 ra tòa án. Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục Trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Khánh Hòa, xác nhận một số ngư dân địa phương đã gửi đơn trả xin tại tàu 67.
Cơ quan chức năng Khánh Hòa đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép các ngân hàng thương mại điều chỉnh lại phân kỳ trả nợ theo từng quý theo hướng chia đều trong thời gian vay vốn 16 năm mà vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định (1 triệu/1 tỷ đồng/năm).