Sở Công Thương TP.HCM cho biết mãi lực tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, thương nhân gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Do đó, cơ quan này đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương hỗ trợ trực tiếp bằng Ngân sách Nhà nước đối với thương nhân kinh doanh tại các chợ trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay, với mức hỗ trợ theo từng hạng chợ tương ứng bằng 50% mức thu phí chợ tối đa.
Hàng loạt sạp chợ Bến Thành đóng cửa từ lần bùng phát dịch đầu tiên năm 2020. Ảnh: Y Kiện. |
Cụ thể, 14 chợ hạng 1 có mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2/tháng; 52 chợ hạng 2 có mức hỗ trợ 70.000 đồng/m2/tháng; 168 chợ hạng 3 có mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2/tháng.
Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên toàn địa bàn (tính đến tháng 8/2019 trước khi có dịch Covid-19), Sở Công Thương TP dự toán tổng kinh phí hỗ trợ hơn 76 tỷ đồng.
Phạm vi áp dụng của gói hỗ trợ này là tất cả chợ truyền thống trên địa bàn TP, bao gồm chợ đầu tư bằng ngân sách lẫn nguồn vốn ngoài ngân sách.
Trong đó, đối tượng nhận hỗ trợ là các cá nhân, tổ chức có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, kiot, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, có mã số thuế và theo danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ.
Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM xem xét nghiên cứu, đề xuất bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đối với thương nhân, nhân viên và người lao động tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn và một số chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn.
Sở lý giải việc tồn tại của các chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng rất quan trọng vì là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu. Trong khi đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nguy cơ lây lan rộng, hệ thống chợ, đặc biệt chợ đầu mối, là một trong những nơi có nguy cơ rất cao.