Chiều 1/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có cuộc họp đột xuất với UBND quận Gò Vấp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 31/5.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư quận Gò Vấp Sử Ngọc Anh chỉ ra một số vấn đề cụ thể mà quận đang gặp khó như truyền thông; sản xuất, kinh doanh; giao thông; nguồn lực. Bí thư Ngọc Anh nhấn mạnh các khó khăn tại các chốt kiểm dịch và mong muốn UBND TP.HCM có định hướng, hướng dẫn cụ thể để quận áp dụng Chỉ thị 16.
Không "ngăn sông cấm chợ"
Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhận định vấn đề lớn nhất của quận hiện nay là lưu thông và quản lý người ra vào. Để áp dụng Chỉ thị 16, quận Gò Vấp đã lập hàng loạt chốt. Tuy nhiên, hai ngày qua, quận liên tục gặp khó khăn khi đến giờ cao điểm, tất cả khu vực này đều ùn ứ.
Ông Đức làm rõ mục tiêu cách ly xã hội là không có sự lây lan. Trong Chỉ thị 16, việc lưu thông là không cấm. Nhưng các phương tiện lưu thông qua địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 không được dừng, đỗ, thả/nhận khách.
"Tất cả các cửa ngõ chặn lại thì có đạt được mục đích là không lây lan không. Tôi nghĩ là không. Vì khi người ta ùn ứ, xe máy tụ lại với nhau thì còn lây lan nguy hiểm hơn là chạy ngang qua đường", ông Đức phân tích.
Ngược lại, Phó chủ tịch đặt tình huống nếu không có chốt thì sẽ có những người dân đi vào địa điểm trong quận Gò Vấp. Ông cho rằng nếu có giải pháp để hạn chế tình huống này thì "cái giá phải trả" sẽ ít hơn nhiều so với thắt chặt chốt, gây ùn ứ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức họp khẩn với quận Gò Vấp. Ảnh: Thu Hằng. |
Về phương án lập chốt, ông Đức nêu thực trạng lực lượng chức năng chặn giữa đường một chiều, khiến các phương tiện khi bị chặn lại không quay ra được vì nếu quay lại sẽ vi phạm luật giao thông. Trước thực trạng này, ông yêu cầu các đơn vị phải hỗ trợ cho Gò Vấp, chặn từ xa. Còn hiện nay, quận Gò Vấp đang "tự gồng mình giải quyết", thiếu sự phối hợp.
Có quan điểm tương tự, đại diện Sở Giao thông Vận tải nhận định các chốt kiểm dịch tại quận Gò Vấp rất khó đảm bảo phòng chống dịch vì lượng người qua lại đông mà hầu hết là xe gắn máy. Cũng là một người dân sống tại quận Gò Vấp, đại diện cơ quan này nêu thực trạng người dân vẫn có thể ra khỏi quận mà không qua chốt bằng các tuyến đường, hẻm.
Đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông TP.HCM cũng nhắc lại một tiêu chí trong Chỉ thị 16 là "kiểm soát dịch chứ không ngăn sông cấm chợ". Thực tế, một nhân viên y tế cũng khó kiểm soát hết hàng nghìn người qua chốt. Nếu không may xuất hiện ca nhiễm, toàn bộ lực lượng tại chốt sẽ thành F1, phải cách ly. Do đó, ông cho rằng cần linh động trong giám sát.
Vẫn lập chốt nhưng kiểm tra xác suất
Trao đổi về các khó khăn của quận, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết khi UBND TP.HCM ra lệnh áp dụng Chỉ thị 16, công việc khó, mới và chưa có tiền lệ khiến quận gặp khó khăn.
"Nói nôm na là thành phố cho một kỳ thi, địa phương tự ra đề, tự tìm lời giản. Phải nói là rất lúng túng", ông chia sẻ.
Chủ tịch quận cho rằng việc lập chốt phong tỏa là để người dân ý thức cao hơn. Còn nếu để người dân đi lại tự do, mọi người sẽ lại đổ ra đường. Lực lượng quận chỉ có 4.000 người, rất khó quản lý gần 700.000 dân tại quận và thêm khoảng 300.000 dân qua lại quận.
"Gò Vấp mỗi ngày xét nghiệm lại tăng thêm ca nhiễm. Từ 27/5 đến nay, con số ngày càng tăng. Đây là yếu tố quận rất băn khoăn. Nếu dịch không kìm chế được thì rất nặng nề. Nhiệm vụ thành phố giao thực hiện bài toán phong tỏa, giãn cách không được thì không hoàn thành với cấp trên, mà mắc cỡ với dân lắm", Chủ tịch quận chia sẻ.
Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng báo cáo với Phó chủ tịch Dương Anh Đức. Ảnh: Thu Hằng. |
Kết luận vấn đề, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định lập chốt là việc phải làm, nhưng cần triển khai thế nào cho hiệu quả. Ông cho rằng việc kiểm tra toàn bộ người dân ra vào quận vào giờ cao điểm là "không làm nổi", thực tiễn 2 ngày qua đã chứng minh.
Phó chủ tịch đề xuất quận vẫn lập chốt nhưng thay vì chặn người qua lại, lực lượng chức năng có thể kiểm tra xác suất như cách của ngành hải quan.
"Khi đông quá thì giảm xác suất xuống, còn khi vắng có thể kiểm tra hết", ông Đức đề nghị.
Các phương tiện từ quận, huyện, TP khác được phép đi qua quận Gò Vấp nhưng không được dừng. Phó chủ tịch cho rằng quan trọng là kiểm soát tốt bên trong, phạt nặng người vi phạm.
Lãnh đạo thành phố gợi ý quận có thể lập hai loại chốt - chốt lớn và chốt nhỏ, có cấp độ quản lý khác nhau. Quan trọng nhất là không cho các phương tiện đi ngang qua dừng lại tại quận Gò Vấp, phải xử phạt nghiêm khắc, kể cả phạt nguội qua camera giao thông để răn đe.
Ông Đức cũng đề nghị quận Gò Vấp phải phối hợp, thảo luận với các địa phương lân cận để cân nhắc vị trí đặt chốt phù hợp. Chốt trên địa bàn nào sẽ do địa phương đó chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đề nghị quận Gò Vấp cụ thể hóa văn bản của UBND TP và làm danh mục các loại hình được phép hoạt động. Quận có thể nghiên cứu làm thẻ cho nhứng ngành nghề được hoạt động để người dân trình thẻ khi ra, vào quận để tăng tính hiệu quả.
Ông tái khẳng định yêu cầu người ra, vào Gò Vấp phải khai báo y tế từ nhà để tránh ùn tắc.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức chỉ đạo gỡ khó cho quận Gò Vấp. Ảnh: Thu Hằng. |
Theo thông báo của Sở GTVT TP.HCM ngày 30/5, trong 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông từ các địa bàn khác qua địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, được phép chạy trên một số tuyến đường, nhưng không được phép dừng, đỗ và đón, trả khách. Cụ thể, trên địa bàn quận Gò Vấp, xe được đi qua 15 tuyến đường.
Kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16, các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ Gò Vấp luôn trong tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, khiến lực lượng chức năng liên tục phải gỡ rào chắn, thông chốt để người dân đi qua.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC), riêng từ 27/5 đến nay, ngành y tế ghi nhận 208 ca nhiễm. Trong đó, 200 ca liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Quận Gò Vấp là địa phương nhiều ca nhiễm nhất với 58 bệnh nhân.