Đây là một trong những đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến góp ý tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm nay đối với một số trường hợp doanh nghiệp cụ thể.
Trong đó, đối tượng được áp dụng chính sách này là các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, mới chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 thì sẽ không xét tới tiêu chí doanh thu năm nay giảm so với năm 2019.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm xác định tổng doanh thu năm 2019 trong trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi loại hình, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập… trong kỳ tính thuế năm 2019 mà hoạt động không đủ 12 tháng để làm căn cứ so sánh.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng sửa đổi, bổ sung quy định cách xác định tổng doanh thu năm 2021 để làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế.
Doanh nghiệp có doanh thu năm nay dưới 200 tỷ đồng và giảm so với năm 2019 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế năm 2021. Ảnh: Nam Khánh. |
Theo đó, tổng doanh thu này bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và thu từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Số này bao gồm cả phần trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác sẽ không được tính vào tổng doanh thu xác định đối tượng được giảm thuế.
Về cách xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm, cơ quan soạn thảo nêu rõ, số thuế được giảm của kỳ tính thuế năm 2021 sẽ được tính trên toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp.
Căn cứ tổng doanh thu năm 2019 và dự kiến tổng doanh thu năm 2021, doanh nghiệp có nhiệm vụ tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý.
Tuy nhiên, sau này, khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền phát hiện doanh nghiệp nào không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định của Nghị định này, hoặc số thuế phải nộp năm 2021 lớn hơn số thuế đã kê khai thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế còn thiếu và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Bên cạnh đó, khoản tiền thuế nộp thiếu này cũng sẽ bị cơ quan thuế tính tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật. Hiện nay, tiền chậm nộp thuế được tính liên tục kể từ sau ngày phát sinh tiền chậm nộp với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế nộp chậm.
Lý giải cho đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết từ dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng tới hoạt động của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các doanh nghiệp trong ngành du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, báo chí, truyền hình...
Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch.