Tại cuộc họp chiều 27/3 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết Bộ Y tế đã công bố Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch nên tại cuộc họp này, ông mời Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng đến để báo cáo tình hình.
Theo ông Hùng, sau 2 trường hợp điều dưỡng của bệnh viện dương tính với Covid-19, bệnh viện đã xây dựng các kịch bản, tiến hành cách ly với các đối tượng F1. Cho tới nay, hơn 160 cán bộ y tế thuộc diện F1 có sức khỏe tốt, 2 lần xét nghiệm âm tính.
Sau đó, khi phát hiện ca bệnh 133 đã chuyển đi từ Bệnh viện Bạch Mai và có thông báo nhiễm Covid-19, bệnh viện đánh giá ngay Khoa Thần kinh mà bệnh nhân này nằm điều trị là ổ dịch, cho phong tỏa ngay trong đêm, cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại đây.
Hiện trong khu cách ly này có hơn 300 người, gồm hơn 30 nhân viên y tế, còn lại là bệnh nhân và người nhà. Trong đó, các nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân có sức khỏe tốt, có 3 bệnh nhân nặng đang hôn mê, tiên lượng tử vong nhưng qua xét nghiệm đều âm tính với Covid-19.
Nguy cơ lây lan lớn nếu có dịch ở Bệnh viện Bạch Mai
Chủ tịch Hà Nội đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông tin về ca bệnh 88 tuổi ở Hưng Yên và con dâu của ca bệnh này ở Long Biên, đều đã dương tính với Covid-19.
“Hiện nay anh em ở cơ sở rất khó khăn, nhưng yêu cầu phải trả lời rõ cho chúng tôi”, ông Chung nói.
Một ca cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sau đó giải thích kết quả xét nghiệm của 2 ca bệnh mà Chủ tịch Chung đề cập là “không bình thường”, nhưng chỉ có Bộ Y tế mới được khẳng định có dương tính hay không.
“Hiện chúng tôi 'đóng băng’ toàn bộ bệnh nhân, không cho ra viện mà đợi kết quả. Chúng tôi coi tất cả là người nhiễm và tất cả đều được kiểm tra, xét nghiệm”, ông Hùng nói.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm thông tin hiện có 3 ổ dịch tại công đồng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, CDC Hà Nội đã phối hợp với bệnh viện khoanh vùng xử lý.
Về trường hợp ca bệnh số 133 ở Lai Châu, ông Cảm cho biết ngay khi có triệu chứng, CDC Lai Châu đã chủ động, phản ứng rất nhanh về mặt dịch tễ, lập tức lấy mẫu gửi về Trung ương và xét nghiệm cho kết quả dương tính.
“Việc phát hiện trường hợp bệnh nhân này là hoàn toàn ngẫu nhiên, do hệ thống dự phòng của Lai Châu phản ứng rất nhanh mặc dù là 1 tỉnh miền núi”, ông Cảm nói và cho biết 3 ca bệnh ở Khoa Thần kinh có thời điểm dương tính rất gần nhau, không có triệu chứng gì đặc biệt nhưng chủ động xét nghiệm sớm nên đã phát hiện ra.
Theo thông báo của Bạch Mai thì trong 10 ngày qua, có 14.000 người trên địa bàn Hà Nội đến khám ngoại trú ở bệnh viện, thành phố đang sàng lọc những trường hợp này để tiếp tục khuyến cáo họ tự cách ly. Nếu ho, sốt khó thở thì lập tức báo cho y tế để điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm.
Ông Cảm đánh giá nguy cơ ở bệnh viện Bạch Mai là rất cao vì nội tại có nhiều bệnh nhân nặng, nếu xảy ra dịch tại đây tỷ lệ tử vong sẽ cao, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng lớn.
Bởi vậy, Giám đốc CDC Hà Nội đề xuất dừng, không nhận bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai. Với bệnh nhân đang điều trị ở đó không nên chuyển đến bệnh biện khác mà tiếp tục điều trị, chỉ cho ra viện khi đã xét nghiệm âm tính. Sau đó, báo cho địa phương để giám sát 14 ngày sau khi ra viện.
Nghi ngờ nguồn gốc lây nhiễm của ca bệnh mới
Giải thích thêm, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng phân tích về dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân số 133, bệnh viện đã cho xét nghiệm ngay lập tức với ca bệnh 88 tuổi và con dâu. Nhưng trong khi người mẹ 88 tuổi lên kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng thì người con dâu phải làm đi làm lại mới thấy dương tính, và dương tính “rất yếu ớt”.
Bệnh nhân số 86 - điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Hùng. |
“Giả thiết ở đây là lượng virus thấp nên chưa đủ để lên dương tính nhanh. Việc này có 2 nguyên nhân, một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là người này nhiễm đã lâu”, ông Hùng giải thích. Theo ông, ca bệnh này nhiễm ngoài cộng đồng chứ không phải nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai.
Ông cũng phán đoán sơ đồ dịch tễ là người con dâu nhiễm Covid-19 ở ngoài rồi lây cho bà mẹ, sau đó mẹ lại nằm cùng giường với bệnh nhân số 133 ở Lai Châu nên cả 3 người cùng nhiễm virus.
“Đến hiện tại chưa thể khẳng định nhiễm chéo trong bệnh viện”, ông Hùng nói.
Chưa đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Hà Nội phân tích: Bệnh nhân 86 (điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai) đi từ phía Nam về, lây cho bệnh nhân số 87, như thế là lây nhiễm chéo.
Bệnh nhân 133 đi về Lai Châu sau khi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai đã dương tính với Covid-19, lại thấy bệnh nhân nằm cùng phòng cũng nhiễm, như vậy cũng là lây nhiễm chéo.
“Các đồng chí bảo người con dâu đem bệnh từ xã hội vào bệnh viện, nhưng tôi thấy rõ ràng trong quá trình vận hành, Bệnh viện Bạch Mai có nhiều khu chung như Khoa Xét nghiệm, Chụp chiếu hình ảnh, bãi giữ xe, và chung cả số sinh viên thực tập tại đây. Đây có phải điểm kết nối không?”, ông Chung đặt vấn đề.
Ông cho biết đã trực tiếp gọi điện cho 2 điều dưỡng của bệnh viện bị nhiễm Covid-19 và được biết 2 người này chỉ gặp nhau vào 2 thời điểm, một là khi ăn trưa cùng và khi có công đoàn đến thăm. Tối hôm đó, điều dưỡng này còn về nhà và lây sang con.
Vì vậy, ông Chung đề nghị làm rõ các thông tin này và thông báo cho thành phố để có biện pháp phòng ngừa.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm khi phát hiện ca bệnh số 17, thành phố nhanh chóng phong tỏa, cách ly Bệnh viện Hồng Ngọc với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, sau đó 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới thì tháo dỡ lệnh cách ly, ông Chung đề nghị Bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu bài học từ Bệnh viện Hồng Ngọc.