Trong báo cáo kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 và đề xuất định hướng sắp xếp, nâng cao hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt giải pháp áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này.
Theo đó, mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn Nhà nước ra khỏi doanh nghiệp, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mà đây là hình thức tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cho thuê lại tài sản, dự án, doanh nghiệp Nhà nước
Hiện nay, chỉ còn 94 doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn (không tính các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp). Các doanh nghiệp này đang nắm giữ 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ nhóm doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và công cụ quản lý riêng đối với nhóm doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn này.
Một trong những giải pháp được cơ quan này đưa ra là đề xuất nghiên cứu hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện quản lý, vận hành doanh nghiệp Nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp Nhà nước.
Trong đó, hợp đồng đấu thầu cho thuê lại sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, có thể từ 5 năm đến 10 năm. Hết thời gian trên, Nhà nước sẽ thu hồi lại doanh nghiệp hoặc tài sản, dự án đã cho thuê để có phương án quản lý, sử dụng tiếp theo. Nguồn thu được từ việc cho thuê kể trên được sử dụng cho các mục đích đầu tư phát triển hoặc an sinh xã hội khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quản lý, vận hành doanh nghiệp Nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Nhà nước cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.
Cơ quan quản lý đầu tư cho rằng không nên áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với cổ phần hóa, thoái vốn, thay vào đó, nên thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, nhưng đảm bảo công khai, minh bạch hiệu quả và thu hồi tối đa vốn cho Nhà nước.
Trong quá trình thoái vốn, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải thực hiện nghiêm quy định về lưu ký, giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không thực hiện niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Với phần vốn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nộp về ngân sách và quản lý tập trung, sử dụng để bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp Nhà nước then chốt quốc gia và đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương. Trong đó, đảm bảo đưa vào nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 248.000 tỷ đồng.
Nhận diện điểm nghẽn của doanh nghiệp Nhà nước
Để phát huy nguồn lực lớn mà nhóm doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân.
Trong đó, tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp. Nhà nước quản lý theo mục tiêu, còn doanh nghiệp được chủ động, tự quyết trong điều hành sản xuất kinh doanh, nắm bắt các cơ hội của thị trường.
Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, có thể xem xét thí điểm sử dụng CEO nước ngoài tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực hiện cử thành viên hội đồng thành viên độc lập là các chuyên gia có trình độ, năng lực về tài chính, quản trị… tham gia quản lý, điều hành.
Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp được giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để tái đầu tư các dự án đầu tư quan trọng, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị với các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra ngày 24/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Chỉ đạo tạo hội nghị với các doanh nghiệp Nhà nước hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng doanh nghiệp Nhà nước là nhóm giữ vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết thời gian qua, khu vực doanh nghiệp này vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực lớn trong xã hội.
Để thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng, thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, cần nhìn ra những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp Nhà nước.
Để các cơ quan quản lý có phương hướng giải quyết, Thủ tướng đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển; tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nhóm này còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ; tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước lại không đạt kế hoạch; xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đã đầy đủ, chặt chẽ hay chưa…
Thủ tướng cũng đặt vấn đề về công tác quản trị doanh nghiệp Nhà nước chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản quản lý. Thực tế cho thấy cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm...
"Nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không. Hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo. Những vấn đề yếu kém, vướng mắc chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.