Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động kinh doanh, sử dụng loại khí này đang phát triển mạnh trong thời gian qua. Bởi lẽ, đây cũng là nguyên liệu không thể thiếu cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp như sản xuất pin mặt trời, ngành điện tử, sản xuất thực phẩm, sử dụng trong y tế...
Đến nay, Bộ đã cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp cho một doanh nghiệp sản xuất khí N2O với quy mô 600 tấn/năm, 14 doanh nghiệp kinh doanh khí N2O với tổng khối lượng tối đa 2.377 tấn/năm.
Số liệu thống kê từ Cơ sở Dữ liệu hóa chất quốc gia cho biết, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến ngày 15/12/2020 có 17 doanh nghiệp nhập khẩu N2O với tổng khối lượng khoảng 2.400 tấn.
Tuy vậy, trong năm qua, Bộ Công Thương đã xử phạt vi phạm hành chính 52 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong 2 tháng đối với một đơn vị. Đồng thời, cơ quan này cũng kiểm tra 9 doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng khí N2O, qua đó xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 318 triệu đồng.
Bộ Công Thương đề xuất quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh khí N2O, đặc biệt cho mục đích vui chơi, giải trí. Ảnh: Liêu Lãm. |
Do đặc tính nguy hiểm và dễ bị lạm dụng cho các mục đích vui chơi, giải trí bất hợp pháp, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ đưa N2O vào danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP nhằm quản lý chặt chẽ hơn các tổ chức, cá nhân kinh doanh N2O.
Cũng theo Bộ này, trong lĩnh vực giải trí, Việt Nam chưa có quy định pháp lý về việc sử dụng khí N2O. Do đó, vấn đề cần quản lý hiện nay là hiện tượng sử dụng khí N2O sai mục đích tại các tụ điểm vui chơi giải trí, gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, an ninh trật tự xã hội.
"Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã có các hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N2O và ngăn ngừa hành vi sử dụng N2O cho mục đích vui chơi, giải trí", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất Thủ tướng tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia để nghiên cứu đưa N2O vào danh mục các chất hướng thần. Hiện nay, Anh hạn chế sản xuất, phân phối, bán hàng và cung cấp N2O sử dụng cho người. Hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam và phạt tiền nếu sản xuất, cung cấp, tàng trữ để bán hoặc nhập khẩu trái phép.
Tại Mỹ, hoạt động bán hoặc phân phối N2O cho người không được kê đơn sẽ bị truy tố với mức phạt 1 năm tù và 100.000 USD. Còn luật pháp Hàn Quốc xếp khí này vào nhóm các chất gây ảo giác. Hoạt động mua bán, tàng trữ hay lạm dụng N2O cho mục đích giải trí sẽ bị kết tội 3 năm tù và phạt tiền đến 50 triệu won (tương đương 50.000 USD).