Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất bỏ quy hoạch với lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc quy hoạch cán bộ không giúp chọn được người tài hay người lãnh đạo đổi mới, dám chấp nhận rủi ro, mà chỉ chọn được người biết tuân thủ.

Ngày 4/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ.

Hội thảo nhằm cung cấp thêm luận cứ xây dựng Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, trình Bộ Chính trị trong năm 2022.

Theo Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, việc tuyển chọn nhân lực cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các DNNN còn chịu sự điều chỉnh của quy định: “Không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp”…

Trong khi đó, ông Chu Đình Động, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nêu thực tế thời gian qua còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành. Thậm chí một số trường hợp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định.

Cũng theo ông Động, công tác quy hoạch cán bộ ở một số nơi còn hình thức, quy hoạch cán bộ cho đủ số lượng dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo”; chưa bảo đảm phương châm quy hoạch “động” và “mở”, nhân sự đưa vào quy hoạch chủ yếu khép kín trong nội bộ.

De xuat bo quy hoach voi lanh dao DNNN anh 1

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Việt Hùng.

Nêu quan điểm dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ băn khoăn về những sai phạm liên quan đến lãnh đạo DNNN, đặc biệt khi người quản lý DNNN có lỗi, còn các cơ quan khác lại “vô can”.

“Mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu. Vì vậy, việc để xảy ra vi phạm là cả quá trình với nhiều bên liên quan, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, ông Cung nêu quan điểm. Ông chia sẻ nhiều người mong muốn hành động nhưng vì để tránh rủi ro, họ lựa chọn “không hành động” để đảm bảo an toàn cá nhân.

Cho rằng cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN.

Theo chuyên gia, quy hoạch cán bộ sẽ không giúp chọn được người tài hay những lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, mà chỉ chọn được người biết tuân thủ.

Thay vì quy hoạch, ông kiến nghị xây dựng chương trình kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài để không bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin - cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC thực hiện hậu kiểm kèm theo.

“Người bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, tiêu chí không nghiễm nhiên ngồi ở đó trong nhiệm kỳ tiếp theo, nếu không đạt được mục tiêu thì miễn nhiệm”, ông Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh cần có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị DNNN phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế.

Bế mạc Trung ương 3, thống nhất giới thiệu bổ sung 23 nhân sự lãnh đạo

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm