"Nhà quản lý biết xây dựng công trình ven biển sẽ ngăn dòng chảy nhưng vẫn cấp phép. Khi xảy ra ngập, dân phải gánh hậu quả là điều không thể chấp nhận", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) bốn bề là biển nhưng ngập bì bõm nhiều ngày liền - chuyện thật như đùa đã xảy ra khi nơi đây có mưa lớn. Nhìn từ trên cao, các công trình resort, khách sạn, biệt thự giống như con đê ngăn cách giữa một bên là màu xanh ngắt của nước biển, phía bên kia là dòng nước đục ngầu cao ngang ngực.
Các chuyên gia cảnh báo nếu chính quyền không sớm sửa sai thì trong tương lai, chắc chắn người dân đảo ngọc phải học cách sống chung với ngập.
Resort, khách sạn thành đê ngăn thoát nước
KTS Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay bài toán thoát nước ở đô thị dựa trên các thông số như lượng mưa, tần suất xuất hiện của các trận mưa lớn nhất trong 100 năm. Qua đó, chính quyền tính toán tiết diện cống phù hợp, đảm bảo thoát nước cho những trận mưa lớn.
“Đối với khu vực cuối nguồn, ven biển nếu được cấp phép xây dựng các công trình như khách sạn, resort thì cần phải tạo dòng chảy đủ lớn thoát nước cho thượng nguồn. Nếu thu hẹp dòng chảy hoặc san lấp kênh rạch thì chuyện ngập xảy ra là tất yếu”, ông Cương phân tích.
Hàng loạt dự án ven biển Phú Quốc khiến nước từ thượng nguồn chậm tiêu thoát. |
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), nhận định các đô thị biển ở Việt Nam đang xảy ra tình trạng cấp phép xây dựng khu vực ven biển mất kiểm soát.
Việc cấp phép xây dựng khi chưa đầu tư hệ thống thoát nước đã biến các công trình như resort, khách sạn thành những con đê khổng lồ ngăn nước mưa thoát ra biển.
PGS Tứ phân tích với lượng mưa khoảng 200 mm trên bình diện bằng phẳng thì nước chỉ ngập 20 cm, cộng với địa hình ven biển thì khó có thể ngập. Thế nhưng, chính quyền cấp phép xây dựng 9 phần nhà mà chỉ có một phần đường nên nước đổ dồn về một chỗ gây ngập úng.
"Nhà quản lý biết xây dựng công trình ven biển sẽ ngăn cản dòng chảy nhưng vẫn cấp phép. Đến khi xảy ra ngập úng, người dân phải gánh hậu quả là điều không thể chấp nhận", ông Tứ cho hay.
Sau cơn mưa ngày 8 và 9/8, nhiều nơi ở Phú Quốc ngập mênh mông. |
Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, thừa nhận hệ thống thoát nước trong nội đô thị trấn Dương Đông được đầu tư từ 2003 và đáp ứng được với lượng dân cư thưa thớt. Thế nhưng, thời gian qua, dân số Phú Quốc tăng nhanh, cộng thêm khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh khiến hệ thống thoát nước quá tải.
Bên cạnh đó, một số ao hồ tự nhiên bị san lấp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy. Riêng khu vực bãi Trường, do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ nên một số khu vực bị ngập cục bộ.
Hoàn toàn có thể sửa sai
GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết khi lập quy hoạch đô thị, chính quyền đều tính trước cho 20-50 năm. Thế nhưng, hạ tầng chưa được đầu tư bài bản mà chính quyền đã cấp phép xây dựng công trình thì đó là lỗi của chính quyền.
Đối với Phú Quốc, vị chuyên gia này cho rằng chỉ khi nào chính quyền cầu thị, muốn lắng nghe ý kiến phản biện từ các chuyên gia thì mới sửa sai được. Còn chính quyền đã buông luôn thì giới chuyên gia có góp ý cũng không thay đổi được gì.
Nhiều dự án nhà ở đã xây dựng xong nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư khiến Phú Quốc chìm trong biển nước. |
“Những đô thị mới như Phú Quốc hoàn toàn có thể sửa sai. Với địa hình thuận lợi, chính quyền đào hàng loạt kênh hở dọc theo tuyến đường ven biển thì nước sẽ thoát nhanh ra biển. Hiện cư dân chưa đông nên bồi thường mặt bằng không lớn, chính quyền tập trung làm sẽ làm được”, GS.TS Hồ Long Phi khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS Đào Trọng Tứ thông tin ở góc độ chuyên môn, chính quyền huyện đảo Phú Quốc không quá khó khăn để sửa sai nhưng điều quan trọng là họ có quyết tâm hay không.
"Chính quyền cần khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị chặn, tăng tiết diện cống ở khu vực ven biển và đặt máy bơm công suất lớn bơm nước ra ngoài”, ông Tứ gợi ý giải pháp.
Sẽ điều chỉnh quy hoạch
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng có 2 nơi phải chịu trách nhiệm cho trận ngập kinh hoàng vừa qua là đơn vị lập quy hoạch và chính quyền.
Là đơn vị lập quy hoạch, nhà chuyên môn tính toán theo đề bài của chính quyền đặt ra, nếu cố ý thay đổi để kiếm chác thì phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp quy hoạch đã được phê duyệt đúng, chính quyền cố ý làm trái hoặc điều chỉnh quy hoạch để phục vụ lợi ích nhóm thì phải truy trách nhiệm đối với chính quyền.
PGS Đào Trọng Tứ đề nghị chính quyền cần công khai đồ án quy hoạch về cấp thoát nước để người dân giám sát và truy trách nhiệm khi có người cố tình phá vỡ quy hoạch.
Nếu chính quyền không sửa sai, người dân Phú Quốc phải tập sống chung với ngập như các đô thị trong đất liền. |
Trước các ý kiến phân tích của các chuyên gia, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nói rằng đảo ngọc đang đầu tư theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch này được chính quyền thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn.
Để khắc phục các bất cập, chính quyền sẽ rút kinh nghiệm và dần hoàn thiện bằng việc điều chỉnh quy hoạch. Giải pháp trước mắt, chính quyền huyện đảo Phú Quốc sẽ nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội đô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển.
Đồng thời, UBND huyện Phú Quốc đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông, An Thới. Chính quyền sẽ lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị làm cơ sở đề xuất giải pháp tổng thể, đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị của Phú Quốc.
Từ 5/8 đến 9/8, nhiều nơi ở Phú Quốc bị ngập cục bộ và ngập sâu gây thiệt hại lớn về công trình giao thông và tài sản người dân. Hơn 60 km đường trên toàn huyện bị ngập với độ sâu trung bình 0,7 m, nơi sâu nhất lên đến 2m. Tổng giá trị thiệt hại do ngập gây ra ước tính hơn 107 tỷ đồng.
Trong đó, 8.424 căn nhà ngập trong nước, 23 căn nhà khác bị tốc mái, sập hoặc sụt nứt. Nhiều vật dụng, tài sản khác cùng hoa màu, gia cầm, thủy sản của người dân bị hư hỏng, mất mát.
Trong ngày 9/8, có 30 chuyến bay khởi hành từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đi nơi khác và ngược lại đã bị hủy. Từ 1/8 đến 9/8, tổng lượng mưa trên đảo ngọc đạt 1.170 mm; riêng ngày 9/8 là 335 mm, vượt mốc lịch sử năm 1997 (327 mm).