Sáng 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (bế mạc ngày 26/6 vừa qua).
Đề phòng “bom thư”
Ông Khoa cho hay: “Có một số thông tin, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội, trong đó có những vấn đề đi ngược lại chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng.
Tôi nhận được một cái phong bì rất dày, thấy văn phòng đoàn đưa đến, cái này không những chứa tài liệu không tốt, mà đây nó cũng có thể trở thành phương tiện khủng bố”.
“Cần quy định một cách chặt chẽ việc quản lý thông tin, tài liệu chuyển đến cho các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Chúng ta cần kiểm soát tốt vấn đề này, đề phòng cả những trường hợp bom thư như đã xảy ra ở một số nước”.
Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, ngay cả một số thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội, nói là thông tin nghiên cứu khoa học (trong đó có tài liệu của Viện Nghiên cứu lập pháp), nhưng lại không có tên tác giả, không dẫn nguồn, không có địa chỉ, nên không thể xác định mức độ tin cậy.
“Có rất nhiều dự án luật có nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu gần giống nhau, có thể là từ những tài liệu như thế này” - ông Khoa nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa. |
Theo giải thích của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, tất cả các tài liệu chính thức do đoàn thư ký kỳ họp gửi đến các đại biểu Quốc hội đều được kiểm soát rất kỹ.
Riêng văn bản như đại biểu Kim Khoa nhận được có thể do tổ chức hoặc cá nhân nào đó gửi qua con đường Văn phòng đoàn đại biểu, đến đích danh đại biểu với dụng ý nào đó. Đây là vấn đề cần phải kiểm soát, tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Đọc giống nhau là do chuẩn bị sẵn
“Tôi thấy ở hội trường có những phiên tranh luận mà cảm nhận được không khí rất là hay, lôi cuốn các đại biểu cùng tham gia, cơ quan báo chí và cử tri quan tâm. Nhưng rất tiếc không phải tất cả các phiên họp đều có không khí này” - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét.
Theo bà Mai: “Có những phiên họp mà có một số bài phát biểu gần như trùng lắp nhau hết, vì các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn cả rồi, không thể thay đổi lại và đại biểu cũng không rút đăng ký phát biểu. Thành ra nhiều khi nghe rất là mệt mỏi”.
“Tôi rất thích những đại biểu Quốc hội chuẩn bị trong đầu sẵn nội dung phát biểu, sau đó đến hội trường “nói vo” mà không cần đọc văn bản, người ta căn cứ trên diễn biến của phiên họp để mà thảo luận” - bà Mai bày tỏ.
Đồng tình với bà Mai là trong nghị trường có không khí tranh luận thì sẽ sôi nổi hơn, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng “bài phát biểu chuẩn bị sẵn cũng có cái hay của nó”.
“Có những bài chuẩn bị văn bản rất là sâu, ví dụ những bài của đại biểu Lê Thị Nga chuẩn bị về từng vấn đề rất là sâu. Cũng có những đại biểu đứng lên nói vo thì lại không sâu” - ông Lý dẫn chứng.
Cũng đề cập đến tình trạng đại biểu phát biểu giống nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: "Ngồi trên ghế điều hành thì thấy có nhiều bài phát biểu giống nhau, dường như là được chuẩn bị dựa trên một cùng cái đề án nào đó".
Thời gian chất vấn còn ít
Hoạt động chất vấn tuy tiếp tục được cải tiến nhưng vẫn còn hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, chú trọng nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri.
Thời gian chất vấn còn ít so với nội dung, nhiều đại biểu chưa có thời gian đặt câu hỏi, thời gian trả lời chưa thỏa đáng. Một số đại biểu nêu câu hỏi chưa cô đọng, dài dòng, mang tính cung cấp thông tin, chất vấn chưa rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ.
Trả lời chất vấn của một số nội dung chưa đúng trọng tâm, đưa ra giải pháp còn chung chung, chưa cụ thể, chưa nêu bật được trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.