Những năm gần đây, việc một số đạo diễn quyết tâm chinh phục mảng đề tài lớn này và gặt hái thành công đáng kể đã mang lại tín hiệu đáng mừng về sự tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống.
“Bình minh” trượt khỏi… giờ vàng!
Nhân Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022), bộ phim truyện truyền hình Bình minh phía trước (10 tập) của đạo diễn - NSƯT Bùi Tuấn Dũng khắc họa hình ảnh Tổng Bí thư phát sóng trên kênh VTV1 đã thu hút sự chú ý của khán giả. Phim do đạo diễn-NSƯT Bùi Tuấn Dũng viết kịch bản và đạo diễn gồm 10 tập, thời lượng mỗi tập 45 phút, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.
Bộ phim tái hiện câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trên hành trình đi tìm ánh sáng và chân lý; trưởng thành và anh dũng hy sinh. Trên nền tảng kịch bản công phu, phim có bố cục lớp lang, mạch lạc và nội dung hấp dẫn, khắc họa được chân dung của nhà cách mạng trẻ tuổi, tài năng, kiên trung, trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến những năm đầu thế kỷ 20.
Đạo diễn Vũ Minh Phương trong quá trình làm phim Chư Tan Kra. |
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, đoàn làm phim đã khảo sát gần 20 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, chọn được 13 tỉnh, thành phố để dựng và quay phim. Phim được đầu tư công phu từ kịch bản đến bối cảnh, phục trang, đạo cụ, việc tuyển chọn diễn viên chặt chẽ, kỹ lưỡng với mong muốn đem lại cho khán giả những thước phim chân thực, hấp dẫn và truyền cảm hứng.
Vai chính trong phim - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - do diễn viên trẻ Nguyễn Thanh Tuấn đảm nhận. Để hóa thân vào nhân vật, nam diễn viên đã đọc nhiều tài liệu lịch sử cách mạng, nghiên cứu kỹ vai diễn và gần như thuộc lòng kịch bản. Ngoài ra, anh phải luyện tập hình thể và nhiều kỹ năng như côn, đao, quyền cước…
Trước đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã tạo được dấu ấn đẹp với các phim đề tài lịch sử, gồm: Thầu Chín ở Xiêm về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Những người viết huyền thoại về tướng Đinh Đức Thiện. Với bộ phim lần này, anh đảm nhận viết kịch bản nên đã đầu tư nhiều thời gian để xây dựng đề cương.
Nhờ quá trình nghiên cứu cổ văn trước đó, nên việc viết thoại xưa với Bùi Tuấn Dũng khá suôn sẻ. Anh bày tỏ quan điểm rõ ràng trong việc hiểu và trung thành với nhân vật, không “tô vẽ”. Tất cả mốc của cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ phải giữ nguyên.
Đồng thời, ê-kíp phim có tham khảo thêm các chi tiết, sự kiện diễn ra cùng thời để tra chéo, kết nối các sự kiện. Dù vậy, phim vẫn có không ít nhân vật hư cấu ở làng xóm, trong trường học và ngoài xã hội… để tạo xung đột, kịch tính, làm mềm đi những yếu tố khô cứng mà các phim về đề tài này thường mắc phải.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh, chất liệu lịch sử hay mà phim không thu hút được khán giả là lỗi của nhà làm phim, không phải ở đề tài. Điện ảnh lĩnh vực cần một hệ thống tư duy khoa học và tính triết lý đòi hỏi nhiều ở đội ngũ sáng tạo. Việc cảm hứng thúc đẩy sáng tạo thường chỉ có ở những nghệ sĩ trẻ hoặc ở những nghề nghiệp nhiều ngẫu hứng chứ phim thì không thể.
Cũng giống như các bộ phim lịch sử khác từng làm, với Bình minh phía trước, Bùi Tuấn Dũng đặt ra mục tiêu đơn giản là tạo ra một câu chuyện lịch sử dễ xem để truyền lửa cha ông tới thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Bên cạnh việc quay chất lượng hình ảnh 4K sử dụng bộ cine lens cho hình ảnh như phim điện ảnh, đạo diễn cũng sử dụng cách kể với ngôn ngữ âm thanh và dựng phim gần với điện ảnh hơn.
Đáng tiếc, khán giả yêu phim lịch sử vẫn hy vọng phim được chiếu vào khung giờ vàng trên kênh VTV1 hoặc VTV3, thay vì chiếu vào buổi sáng. Tiếc rằng khung giờ vàng hầu như chỉ dành cho “vũ trụ” phim đề tài giải trí. Thêm nữa, lĩnh vực phim điện ảnh, phim truyền hình, trường hợp miệt mài như Bùi Tuấn Dũng thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Phim tài liệu khởi sắc trở lại
Có phần sôi nổi hơn so với phim truyền hình, phim điện ảnh, mảng phim tài liệu đề tài lịch sử trong những năm gần đây đã có nhiều tín hiệu khả quan. Trước đây, giai đoạn từ 1998-2005, phim tài liệu Việt Nam, trong đó nổi bật là mảng đề tài lịch sử, đã liên tiếp giành nhiều giải thưởng quốc tế, trở thành đại diện tiêu biểu cho mảng phim tài liệu khu vực. Đáng tiếc là giai đoạn sau đó, phim tài liệu vắng bóng dần. Không chỉ ở các cuộc liên hoan phim (LHP), giải thưởng quốc tế, mà thống kê của từng đơn vị sản xuất cũng minh chứng rõ sự sụt giảm.
Cảnh trong phim tài liệu Con đường đã chọn. |
Tín hiệu đầu tiên cho thấy mảng phim tài liệu lịch sử khởi sắc trở lại đó là tại LHP Việt Nam lần thứ 21 diễn ra vào cuối năm 2019, có 29 bộ phim thuộc sáu đơn vị tranh giải tại hạng mục phim tài liệu. Bông sen vàng thuộc về phim Chông chênh (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư), Bông sen bạc thuộc về hai phim Chư Tan Kra (đạo diễn Vũ Minh Phương) và Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam (đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm).
Sau nhiều mùa theo dõi các LHP trong nước và quốc tế, đặc biệt những kỳ LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận xét: “Nhiều chục năm qua, các nhà làm phim tài liệu thường áp dụng chung công thức cũ kỹ nên phim na ná nhau. Dân tộc ta là cái nôi của nhiều đề tài hấp dẫn, vô số câu chuyện gốc đầy độc đáo, xúc động, nhân văn... nhưng khi lên màn ảnh, cách kể của từng phim vẫn thiếu cá tính, sự hấp dẫn và đổi mới cần thiết để tạo nên dấu ấn. Không ít nhà làm phim đi theo lối mòn, quen với quy trình làm phim theo kế hoạch được đầu tư, khai thác lại những câu chuyện đã được xã hội tiếp nhận. Dù vậy, vẫn có một số gương mặt nổi bật làm nên hy vọng”.
Cảnh trong phim Bình minh phía trước. |
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (sinh năm 1980) đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như: Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 (năm 2013), Cánh diều Vàng năm 2016 - 2017, Giải A - Giải Báo chí quốc gia (2017), Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 21 (2019)…
Cùng tuổi Tạ Quỳnh Tư, đạo diễn Vũ Minh Phương chỉ với một bộ phim tài liệu Chư Tan Kra đã liên tiếp giành giải thưởng Cánh diều vàng năm 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam, Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và giải A, giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2014-2019). Đây là dấu ấn quan trọng khẳng định tài năng, tâm huyết của các đạo diễn thế hệ đầu 8x. Yếu tố đặc biệt khiến tác phẩm của Tạ Quỳnh Tư, Vũ Minh Phương tạo được dấu ấn và thành công chính là cách đổi mới trong lựa chọn, khai thác đề tài.
Bộ phim tài liệu Đường về của Tạ Quỳnh Tư có nội dung về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đạo diễn không chọn kể lại hành trình của công việc vất vả này mà khai thác các mảnh ghép còn ít được biết đến ở bối cảnh hậu chiến qua tình huống có thật: nhầm lẫn trong quá trình tìm mộ và cách ứng xử đầy nhân văn của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cảnh cuối phim, hình ảnh hai người mẹ ở tuổi ngoài tám mươi nắm tay nhau ra thăm mộ, vừa đi vừa thủ thỉ: “Tôi với bà thắp hương cho con mình, thôi thì con chung bà ạ” đã mang lại nhiều xúc động cho khán giả.
Với phim tài liệu Chư Tan kra, để cô đọng được khoảng 30 phút lên màn ảnh, đạo diễn Vũ Minh Phương đã có hàng chục chuyến đi, mỗi chuyến kéo dài cả tháng, theo chân các cựu chiến binh Trung đoàn 209 vào dãy núi Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tìm hài cốt liệt sĩ. Suốt quá trình cùng ê-kíp Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện bộ phim, Trung tá - Đạo diễn Vũ Minh Phương liên tục ghi nhật ký, đoàn phim chỉ có sáu người, gồm: đạo diễn, biên kịch, quay phim, phụ quay, thu thanh. Để không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý, đoàn phim liên tục phải làm việc theo nhóm. Hành trình đầy ý nghĩa của các cựu chiến binh đã tiếp thêm động lực để đạo diễn quyết tâm thực hiện bộ phim dù gặp nhiều thử thách.
Một trường hợp khác, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo (sinh năm 1980), Hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã cùng ê-kíp sản xuất bộ phim tài liệu “Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên” với nội dung tái hiện trận ra quân đầu tiên của không quân Việt Nam đem về những thắng lợi quan trọng. Lê Nguyên Bảo cho biết, khi học ở Mỹ, anh đã xem rất nhiều phim hay về đề tài lịch sử nên quyết định làm phim với mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam qua kỹ thuật, góc nhìn hiện đại. Anh xây dựng dự án Én bạc Studio với hơn 20 thành viên ban đầu, chung mục đích chinh phục ngành công nghệ VFX (Visual Effect or Effect) còn non trẻ ở Việt Nam.
Ngôn ngữ, góc nhìn và nhiệt huyết của những nhà làm phim trẻ đang đem lại nguồn cảm hứng tươi mới cho phim tài liệu lịch sử. Đại diện Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, tính từ năm 2017 đến nay, có gần một nửa số phim tài liệu hãng sản xuất không sử dụng lời bình mà thay vào đó là dùng lời kể chuyện của nhân vật. Đây là một trong những cách thức lựa chọn khá mạnh dạn của các nhà làm phim trẻ.
Trọn bộ 22 tập phim tài liệu Con đường đã chọn được thực hiện trong thời gian 4 năm (2018 - 2021) đánh dấu sự kết hợp giữa đội ngũ nhà làm phim gạo cội, như: NSND Đặng Xuân Hải, NSND Lê Thi, NSND Lưu Quỳ, NSƯT Phạm Huyên, Nhà Biên kịch Phạm Minh Lợi, Hà Đình Cẩn, Lại Văn Sinh, Lê Ngọc Minh… với thế hệ đạo diễn trẻ nhiệt huyết: Nguyễn Hoàng Lâm, Đặng Thái Huyền, Bùi Chí Trung, Phạm Hồng Thắng, Nguyễn Thanh Hùng… mang lại màu sắc mới mẻ, đa dạng đồng thời vẫn bảo đảm được sự thống nhất phong cách.
Hiện nay, hầu hết phim đề tài lịch sử vẫn chưa được phổ biến rộng rãi tới công chúng. Ưu tiên phát sóng giờ vàng, đẩy mạnh phát hành trên không gian số là những giải pháp cần thiết vừa để khán giả có thêm cơ hội tiếp cận, vừa hạn chế được sự lãng phí, tránh tình trạng tác phẩm chỉ nằm lưu kho. Đó cũng chính là thước đo trực tiếp, hiệu quả cho những bộ phim đề tài lịch sử.