Quá khứ huy hoàng
Năm 2006 thị trường chứng khoán bắt đầu bùng nổ. Đối tượng đầu tiên được hưởng lợi không phải nhà đầu tư mà chính là các công ty chứng khoán. Trong đó, công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) được xem là “anh cả” khi có vốn điều lệ “khủng” và thị phần lớn. Năm 2006, SSI khiến người người ghen tị khi chi trả những khoản lương, thưởng khổng lồ cho nhân viên. Nhiều người truyền tai nhau câu chuyện tạp vụ hay lái xe của SSI cũng nhận tiền thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng.
Và người nổi tiếng nhất trong công ty được nhắc tới nhiều trên thị trường chứng khoán chính là ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc SSI. Ngoài SSI, ông Hưng còn nắm giữ chức vụ Uỷ viên Hội đồng quản trị công ty Vĩnh Sơn Sông Hinh - Uỷ viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần xuyên Thái Bình Dương. Với việc nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu SSI, VSH và PAN, năm 2006 ông Hưng đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 909,6 tỷ đồng.
Đầu năm 2007, thị trường chứng khoán những kỷ lục mới của VN-Index. Vào tháng 4/2007, VN-Index leo lên “đỉnh” VN-Index đạt 1.174,22 điểm. Sự bứt phá của VN-Index giúp SSI chinh phục các đỉnh cao mới. Kết quả là năm 2007, ông Hưng leo lên vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 2.801,181 tỷ đồng, đứng sau ông Đặng Thành Tâm, ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Đình Long. Đây là vị trí cao nhất mà đại gia chứng khoán có được tính tới thời điểm này.
Đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng. |
Năm 2007, SSI thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận khi bán được 10% cổ phần cho Tập đoàn ANZ với tổng giá trị thu về lên đến 88 triệu USD, tức ANZ đã trả 283.360 đồng cho mỗi cổ phần của SSI, cao hơn 83% so với giá đang giao dịch trên thị trường lúc bấy giờ.
Kể từ năm 2008 khi thị trường chứng khoán liên tục tuột dốc, cổ phiếu chứng khoán rớt giá thảm hại. Vì vậy, vị trí trên thị trường chứng khoán của ông Hưng cũng đi xuống. Năm 2012, ông Hưng xuống “đáy” khi rớt xuống vị trí 26.
Nhưng dù bị hàng loạt đại gia “mới nổi” như ông Hà Văn Thắm, ông Dương Ngọc Minh,… vượt mặt, ông Hưng vẫn luôn là “đệ nhất” đại gia chứng khoán. Không đại gia chứng khoán nào sở hữu khối tài sản “khủng” như ông Hưng.
Trở lại cùng thương vụ trăm tỷ
Thị trường chứng khoán tuột dốc, SSI giảm giá chóng mặt nên cái tên Nguyễn Duy Hưng cùng mờ nhạt dần. Thị trường nhắc tới ông Đoàn Nguyên Đức, ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long hay ông Lê Phước Vũ nhiều hơn. Vì thế, sức ảnh hưởng tới thị trường của ông Hưng cũng hao hụt nhiều.
Tuy nhiên, cuối tháng 9, cái tên Nguyễn Duy Hưng nóng trở lại cùng thương vụ trị giá hàng trăm tỷ đồng. Đây là khoảng thời gian ông Hưng và người thân “cơ cấu” lại danh mục. Khi thì ông Hưng mạnh tay “xả” cổ phiếu SSI, lúc thì bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua vào.
Ngày 29/9, ngay sau thông báo về việc cổ đông lớn ANZ sẽ thoái toàn bộ 17,5% cổ phần của SSI, ông Hưng cùng các bên liên quan đã có thông báo mua vào. Tổng số lượng mua vào lên tới 29,3 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 8,3% vốn SSI. Cụ thể, ông Hưng đăng ký mua 11,3 triệu cổ phiếu. Bất động sản Sài Gòn Đan Linh đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu. Đây là công ty riêng của ông Nguyễn Hồng Nam, em trai ông Nguyễn Duy Hưng. Công ty Đầu tư Đường Mặt Trời đăng ký mua 11 triệu cổ phiếu. Đây là công ty do ông Nguyễn Mạnh Hùng, một em trai khác của ông Hưng làm chủ tịch.
Tính theo thị giá SSI ngày 29/9, 23 triệu cổ phiếu SSI có giá trị khoảng 900 tỷ đồng. Trên thực tế, gia đình ông Hưng có thể phải trả số tiền nhiều hơn 900 tỷ đồng vì SSI đang có xu hướng tăng mạnh sau thông tin ANZ thoái vốn được đăng tải.
Trước đó, gia đình ông Hưng cũng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán khi liên tục “lướt sóng” SSI. Ngày 22/9, ông Nguyễn Hồng Nam, em trai ông Hưng, Phó tổng giám đốc SSI và vợ đã chuyển nhượng 18,2 triệu cổ phiếu SSI sang công ty riêng Bất động sản Sài Gòn Đan Linh.
Đầu tháng 9, ông Hưng chuyển 294.000 cổ phiếu SSI sang công ty riêng NDH Việt Nam. Có thể thấy, ngoại trừ thương vụ với ANZ, các thương vụ còn lại đều được diễn ra trong “nội bộ” gia đình ông Hưng. Các công ty tham gia mua bán cổ phiếu đều do anh em ông Hưng nắm giữ quyền điều hành.
Mặc dù trở lại ồn ào với những thương vụ khủng nhưng tới cuối tháng 9, ông Hưng vẫn là đại gia tay trắng trên thị trường chứng khoán. Sau khi bán 294.000 cổ phiếu SSI cho NDH Việt Nam, ông Hưng không nắm giữ bất cứ cổ phiếu này. Tuy nhiên, nếu tính lượng cổ phiếu SSI, PAN, VSH thuộc sở hữu của các công ty riêng, ông Hưng vẫn có khoảng 1.000 tỷ đồng và nằm trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.