Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị trang bị tàu bay, tàu thủy cho cảnh sát cơ động

Một số Đại biểu Quốc hội đề nghị không cho phép Tư lệnh Cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh có quyền ra lệnh nổ súng.

Sáng 12/8, trong buổi làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý  kiến về dự thảo Pháp lệnh cảnh sát cơ động. Một trong những nội dung của Dự thảo khiến nhiều đại biểu băn khoăn là quy định lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng tàu bay, phương tiện bay, tàu thủy, phương tiện thủy.

Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Pháp lệnh này, quy định: “Bộ Tư lệnh cảnh sát vũ trang trực thuộc Bộ Công an gồm tư lệnh, các phó tư lệnh, các cục tham mưu, nghiệp vụ, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ; trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ; các đơn vị cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát bảo vệ mục tiêu, đơn vị nghiệp vụ khác và các đơn vị cảnh sát vũ trang được trang bị, quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy, các phương tiện bay, phương tiện thủy khác để phục vụ hoạt động của cảnh sát vũ trang”.

"Theo đề xuất của Bộ Công an, Chính phủ phê duyệt mua 6 tàu bay cho lực lượng cảnh sát vũ trang. Ngoài ra, lực lượng này còn được trang bị B40 và các vũ khí hạng nặng khác", Thứ trưởng Bộ công an Đặng Văn Hiếu cho hay. 

Một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc quy định trên vì việc trang bị các phương tiện này đòi hỏi đầu tư ngân sách rất lớn. Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, việc quản lý, đào tạo, huấn luyện, sử dụng tàu bay, tàu thủy và phải rất chặt chẽ. Trong khi hiện nay Bộ Quốc phòng đã được đầu tư cơ bản, có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an khi cần sử dụng tàu bay, phương tiện bay. Và trên thực tế việc phối hợp giữa 2 bộ về lĩnh vực này vẫn thực hiện tốt.

Về tên gọi của Pháp lệnh, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho biết, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp. Bởi trong cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng cảnh sát cơ động bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, đa số ý kiến không đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc thay đổi tên pháp lệnh. Theo đó, vũ trang là tính chất hoạt động được xác định cho 3 lực lượng: quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Ngoài ra, dùng tên gọi “Cảnh sát vũ trang” chưa thể hiện đầy đủ tính chất, phương thức hoạt động... và chưa phải là tiêu chí để phân biệt lực lượng này và lực lượng khác trong công an nhân dân.

 

Cũng theo ông Khoa, nhiều ý kiến cho rằng quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát cơ động rất quan trọng. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Dự thảo Pháp lệnh chưa xác định rõ cơ chế quyết định và chưa phân biệt rõ việc sử dụng đối với từng loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng, thẩm quyền quyết định chưa phù hợp.

Có ý kiến đề nghị, ngoài trường hợp được quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, còn lại chỉ giao Bộ trưởng, hoặc Thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng. Còn Tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền này.

 

Thanh Lưu

Bạn có thể quan tâm