Ngày 9/1, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế đã tổ chức họp báo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân vào tháng 10/2016.
Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có chủ trương cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân, thời gian thăm dò từ 30/9 đến 15/10/2016.
Đoàn khảo cổ mở các hố thăm dò. Ảnh: Điền Quang. |
Việc thám sát khảo cổ được thực hiện với 5 hố trên diện tích 22 m2. Địa điểm thăm dò ở 2 chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và một số nhà dân ở gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế).
Cuộc thăm dò do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện khảo cổ học.
Theo báo cáo cùng ngày, từ ngày 7/10/2016 đến ngày 20/10/2016, đoàn khảo cổ đã mở 5 hố thăm dò tại gò Dương Xuân. Kết quả, tại hố thăm dò số 1, số 2, số 3, số 4 chưa phát hiện dấu vết kiến trúc.
Phát hiện một chân móng cổ nghi chân tường thành cung điện Đan Dương. Ảnh: Điền Quang. |
Ở hố khảo cổ thứ 5 (số nhà 13/120 Điện Biên Phủ, TP Huế), đoàn tìm ra dấu vết rất quan trọng nghi là nền móng tường thành xưa. Khi đào đến độ sâu 0,2 m, các nhà khảo cổ học phát hiện dấu vết gồm nhiều tảng đá nằm vuông góc với nhau. Riêng đoạn cuối lớp đá có một lớp vôi tiếp nối, cùng với lớp đất lạ giống như cát vàng và sỏi.
Từ những kết quả thu được, đoàn thăm dò bước đầu nhận định, lớp đá hố 5a và 5b có thể liên quan đến cấu trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành phần trên đã bị các hoạt động của cư dân hiện đại xâm lấn. Các nhà khảo cổ cho rằng những dấu vết này có liên quan tới kiến trúc của điện Đan Dương.
Một số mảnh sành sứ cổ được tìm thấy. Ảnh: Điền Quang. |
PGS.TS Bùi Văn Liêm cho biết dựa vào tư liệu địa tầng, các mảnh sành sứ có ghi niên đại, gạch ngói được tìm thấy, bước đầu có thể đoán định gò Dương Xuân tồn tại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
PGS.TS Liêm cũng đề nghị tiếp tục mở rộng đào thăm dò tại hố 5a và 5b để xem lớp đá dày 0,65 m kéo dài đến đâu.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, những di vật phát hiện được ở 5 hố thăm dò như đồ bát sành sứ là những vật dụng cao cấp thời vua chúa chứ không phải đồ người dân thường dùng. Đồng thời, chân móng bằng đá được phát hiện tại các hố thăm dò đủ để chứng minh rằng đó chính là dấu vết cung điện Đan Dương đã từng tồn tại trên gò Dương Xuân.