Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị Nhật Bản cung cấp thông tin nghi vấn hối lộ của công ty Tenma

Đại diện Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo liên hệ với đối tác Nhật Bản đề nghị cung cấp thông tin nghi vấn hối lộ công chức, cán bộ thuế, hải quan Bắc Ninh.

Buổi họp báo Chính phủ chiều 2/6 diễn ra bình thường trở lại sau nhiều tháng thực hiện quy định giãn cách do dịch Covid-19.

Dứt điểm 5 đại án trong năm 2020

Trả lời câu hỏi của Zing về 5 đại án được Ban chỉ đạo Trung ương PCTN yêu cầu tập trung làm rõ, xử lý nghiêm, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết đây đều là các đại án về kinh tế, được Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu từ nay đến cuối năm 2020 phải làm dứt điểm. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công an là một trong những đơn vị tiến hành góp phần xác minh, làm rõ.

"Bộ Công an sẽ chỉ đạo đúng tinh thần của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN", ông Xô nói.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 5 anh 1

Nhà xưởng Công ty Tenma Việt Nam tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: CC105.

Về câu hỏi liên quan vụ công ty Tenma của Nhật nghi hối lộ công chức, cán bộ thuế, hải quan Bắc Ninh, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết cả Bộ Tài chính và Công an đều chỉ đạo kiên quyết làm sớm.

“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Bắc Ninh xác minh thông tin, làm việc với công ty Tenma để xem xét tài liệu. Mặt khác liên hệ với đối tác Nhật Bản đề nghị họ cung cấp thông tin”, ông Xô nói.

Dẫn lời chỉ đạo của Thủ tướng là phải làm minh bạch, rõ ràng và chống thất thu thuế, ông cho biết việc này đang được điều tra.

Huy động lực lượng để đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác

Giải đáp câu hỏi đề cập đến trách nhiệm của Bộ GTVT trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhất là khi tổng thầu vừa yêu cầu thanh toán ngay 50 triệu USD để vận hành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc thanh toán là trách nhiệm của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) - chủ đầu tư. Hiện tại, đơn vị này đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng theo khối lượng đã thực hiện và theo điều khoản của hợp đồng.

Những nội dung liên quan tới vấn đề hoàn thiện còn lại, vấn đề chạy thử, ông Đông cho biết sẽ thực hiện theo thiết kế và theo quy định của hợp đồng.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 5 anh 2

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Đ. Trung.

“Chúng tôi đang nỗ lực cùng các cơ quan chức năng để huy động lực lượng hoàn thiện việc này để đánh giá an toàn hệ thống và đưa vào khai thác”, ông Đông nói.

Với đề xuất của tổng thầu về việc thanh toán 50 triệu USD, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết cơ quan này đã trả lời rất thẳng thắn, việc này phải thực hiện theo quy định của hợp đồng.

“Khi vận hành, có những quy định về khối lượng thực hiện, về điều khoản thanh toán. Nếu xong các nội dung, nghiệm thu rồi sẽ được thanh toán 95%. Còn giữ lại 5% bảo hành thông thường như những dự án khác về đầu tư", ông Đông giải thích.

Ông cho biết trách nhiệm Bộ GTVT là chỉ đạo Ban quản lý dự án trực tiếp làm việc với tổng thầu, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện dự án.

"Chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với cấp cao của tổng thầu”, ông Đông cho hay.

Tội phạm tín dụng đen nằm trong tầm ngắm của cơ quan phòng, chống tội phạm

Trả lời câu hỏi về tình trạng vay tiền qua ứng dụng điện thoại (app) và tình trạng tín dụng đen, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết tội phạm tín dụng đen đã “nằm trong tầm ngắm” của các cơ quan phòng chống tội phạm như Cục Cảnh sát hình sự và cảnh sát hình sự ở các địa phương.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 5 anh 3

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an. Ảnh: Đ. Trung.

Theo ông Xô, tội phạm này chiếm 22,6% trong cơ cấu tội phạm, hoạt động rất đa dạng và trên nhiều lĩnh vực, ở tất cả các địa phương nên công tác đấu tranh phải làm rất mạnh.

“Nhu cầu vay của một số người vay rất lớn nên tín dụng đen hoạt động mạnh. Người đi vay tín dụng đen chủ yếu là người cực kỳ cần tiền, như người nghiện hút, cờ bạc… Còn người kinh doanh thừa hiểu không có chuyện cho vay với lời lãi như thế”, người phát ngôn Bộ Công an nói.

Ông cho biết Bộ Công an đã cảnh báo về loại tội phạm tín dụng đen, đề nghị người dân xem xét để tránh lọt vào vòng xoáy của loại tội phạm này. Tới đây, Bộ Công an dự kiến sơ kết nội dung này và sẽ có con số cụ thể.

Xử lý cán bộ sai phạm trong chi trả gói an sinh xã hội 62.000 tỷ

Phóng viên đặt câu hỏi về việc chi trả hỗ trợ an sinh xã hội trong gói 62.000 tỷ đồng có xảy ra sai phạm, không đúng đối tượng ở một số nơi. Việc xử lý sai phạm đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho biết một số địa phương có xảy ra vi phạm trong việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ. Bà Hà nhấn mạnh có cá biệt ở một vài địa phương, trong quá trình lập danh sách có xảy ra vi phạm. Bộ Lao động đã phát hiện và xử lý với trường hợp tại Thiệu Thành (Thanh Hóa). Với trường hợp tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ công chức lao động, thương binh, xã hội tại 2 xã.

Các địa phương đều hứa không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng

Thông tin về kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đến nay tin mừng là sau hơn 40 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhiều ca được chữa khỏi, trong đó có ca đặc biệt khó. Như ca phi công người Anh đã cử động lại được.

Ông Dũng cho biết Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cả người dân, nhiều tờ báo lớn của thế giới đã nêu bài học đáng giá của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Sau nới lỏng giãn cách xã hội từ 23/4, Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe, tháo gỡ, chia sẻ và khích lệ các tập đoàn lớn, các địa phương.

hop bao Chinh phu thuong ky thang 5 anh 4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Lâm.

Ngày 9/5, Thủ tướng đã trực tiếp gặp mặt các doanh nghiệp để lắng nghe, cổ vũ doanh nghiệp. “Đi đến đâu, các địa phương đều hứa với Thủ tướng không điều chỉnh giảm chỉ tiêu mà cố gắng, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu được giao”, người phát ngôn Chính phủ nói.

Theo ông Dũng, việc sớm kìm chế được dịch bệnh là cơ hội cực kỳ quan trọng. Khi ra ngoài đường tham gia các hoạt động, lễ hội mới thấy niềm hạnh phúc, tự hào khi Việt Nam sớm kiểm soát được dịch. Trong khi đó, nhiều nước bây giờ còn rất khó khăn vì phong tỏa, giãn cách xã hội phải dừng các hoạt động kinh tế xã hội.

“Thủ tướng và Chính phủ quyết tâm không lùi bước trước khó khăn thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Dũng nói. Ông cho rằng Việt Nam đang có “cơ hội vàng”, tái khởi động lại nền kinh tế rất sớm so với các nước trên thế giới.

Nhiều chuyển biến tích cực trong tháng 5

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày, các thành viên Chính phủ nhận định ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới, với sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 đã có nhiều biến chuyển tích cực.

Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.

Trong tháng 5, Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều tỉnh, thành phố đều có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá tình hình tháng 5 đã “khởi sắc trở lại” trong bối cảnh nhiều nước tuy còn dịch bệnh nhưng đã bước đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tuy còn ở mức thấp, đặc biệt là sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng cao hơn nhiều so với tháng 4, tới 11,2%. Bên cạnh các ngành bị tác động mạnh như ôtô, điện tử, dệt may, da giày thì cũng có những ngành tăng khá như thực phẩm tăng 3,3%, hóa chất tăng 9,1%. Như vậy, theo Bộ trưởng, vẫn có những lĩnh vực có thể tập trung đầu tư và khôi phục sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng cải thiện hơn. Dù tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7%, nhưng riêng tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với đà giảm rất sâu của tháng 4.

Theo các thành viên Chính phủ, trong tháng 5, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản đã trở về trạng thái bình thường. Hầu hết dự án, công trình được triển khai đúng tiến độ, một số dự án quan trọng đã được chỉ đạo quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ (vốn đầu tư thực hiện 5 tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 15,6% so với cùng kỳ; đạt 24,9% kế hoạch năm).

Các hãng hàng không đã khai thác trở lại các chặng bay nội địa như thời điểm trước khi có dịch, vận tải đường bộ thuận lợi hơn sau nới lỏng cách ly. Hoạt động du lịch hướng tới thị trường nội địa với các gói sản phẩm ưu đãi để đảm bảo nhu cầu du lịch của người dân và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong 4 tháng đầu năm là rất lớn, Bộ KH&ĐT cho rằng các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp tháng 4 ở mức thấp nên chưa thể lạc quan ngay với tình hình đăng ký doanh nghiệp có tăng trưởng trong tháng 5.

Cùng với đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như áp lực về tăng chỉ số giá (đặc biệt trong bối cảnh giá thịt lợn chưa giảm, giá dầu chưa có tín hiệu phục hồi). Các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thương mại vẫn còn tồn tại do dịch bệnh. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) đạt thấp...

Thủ tướng yêu cầu thảo luận 'vì sao giá thịt lợn vẫn cao'

Trong 2 vấn đề Thủ tướng yêu cầu thảo luận thêm, ông đề nghị làm rõ việc giá thịt lợn vẫn ở mức cao mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm