Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, địa phương này có hiện tượng nhà đầu tư nhỏ, lẻ chuyển hướng mua nhà, đất nền, xuất hiện tình trạng đầu cơ và tung tin sai lệch về dự án rồi đẩy giá.
Ngoài ra, những người này còn khai thác yếu tố tâm lý muốn chuyển nhượng để hưởng chênh lệch, dẫn đến giá trị giao dịch các loại bất động sản này tăng đột biến, có nơi lên tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất hiện tình trạng tung tin sai lệch về các dự án bất động sản để gây sốt đất ở TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Chính quyền TP.HCM cho rằng giá bất động sản như trên là chưa đúng với giá trị sản phẩm, chưa phù hợp với tiến độ triển khai hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của dự án, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố đang triển khai.
Để giải quyết tình trạng sốt đất, ngăn chặn kịp thời tình trạng "bong bóng bất động sản", UBND TP.HCM yêu cầu các Sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện, chủ đầu tư công khai thông tin về tiến độ các dự án bất động sản, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
UBND TP giao Công an thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch, hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản, xử lý theo quy định pháp luật.
Tháng 3/2018, giá đất tại Hóc Môn và Bình Chánh tăng so với năm 2017 và cao hơn cả thời điểm cơn sốt đất nền diễn ra. Mức tăng ở Bình Chánh là 12,5%, Hóc Môn trên 30% (so với tháng 3/2017).
Thời điểm này, giá đất cao nhất tại huyện Bình Chánh là gần 80 triệu đồng/m2 tại các khu vực xã Bình Hưng. Giá cao nhất ở huyện Hóc Môn là gần 37 triệu đồng/m2 ở xã Trung Chánh.
Tháng 4/2018, giá đất trung bình tại quận 9 là 38,86 triệu đồng/m2, tăng thêm 13,19% so với cùng kỳ. Tháng 5/2018, giá đất trung bình ở quận Thủ Đức là 47 triệu đồng/m2, trong khi đó biên độ tăng giá ở mức 10%.