Sáng 22/10, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội chi nhận những thành công trong công tác điều hành của Chính phủ nhưng cũng chỉ ra những hạn chế của nền kinh tế hiện nay.
Ông cho biết kinh tế đã có nhưng bước chuyển biến tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Điều này có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Ngọc Duy. |
Tuy nhiên, ông chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc thu ngân sách từ các khu vực quan trọng không hoàn thành mục tiêu trong 2 năm liên tiếp 2017-2018 và đề nghị Chính phủ tập trung cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách, giảm bội chi. Cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng trước khi đề xuất các loại thuế mới.
Những dấu hiệu khả quan
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cho thấy những dấu hiệu khả quan, tăng trưởng cả năm có thể vượt 6,7%.
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, và cho biết khả năng các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cả giai đoạn 2016-2020 có thể hoàn thành.
Nhưng để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trung và dài hạn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần quan tâm và làm rõ thêm 13 nhóm vấn đề.
Ông Thanh chỉ ra chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 34%; hệ số ICOR được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức cao.
Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 87,4% của Lào.
Động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại, đóng góp cũng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp.
Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, còn tình trạng dư thừa cục bộ một số sản phẩm nông nghiệp tiếp tục đòi hỏi phải giải cứu. Việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển còn một số vướng mắc, hạn chế, cần tiếp tục được quan tâm.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo. Thu ngân sách cơ bản mới đủ cho chi thường xuyên, trả nợ lãi và một phần tích lũy cho đầu tư. Số thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng không đạt dự toán trong 2 năm 2017 và 2018 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế đều không đạt. Theo đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện cả năm đạt 162.000 tỷ đồng, giảm 4.900 tỷ đồng (giảm 2,9%) so với dự toán. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước thực hiện cả năm đạt 189.000 tỷ đồng, giảm 33.600 tỷ đồng (giảm 15,1%) so với dự toán.
Trong khi đó khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, ước thực hiện cả năm đạt 213.000 tỷ đồng, giảm 4.850 tỷ đồng ( giảm 2,2%) so với dự toán.
Mặt khác, năm 2017, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 1,289 triệu tỷ đồng. Trong khi chi thường xuyên 912,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 70,8% tổng thu), chi trả nợ lãi 98,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,7% tổng thu). Năm 2018, tổng thu cả năm ước đạt 1,358 triệu tỷ đồng, trong khi chi thường xuyên ước 988,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,8%), chi trả nợ lãi 112,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 8,3%).
Tranh chấp đất đai có dấu hiệu càng gay gắt
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra việc thực hiện 3 đột phá chiến lược được đẩy mạnh, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu khả thi và chậm sửa đổi; phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn.
Cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai tích cực, song tiến độ chưa đạt mục tiêu đề ra. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, nhưng vẫn còn ý kiến đề nghị xem xét mức độ thực thi của các cấp, các ngành và bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Ông Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị cần báo cáo rõ hơn về việc thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian tới, công tác rà soát lại toàn bộ quy hoạch năng lượng và vấn đề điều tiết xả lũ thuỷ điện. Cũng có ý kiến đề nghị đánh giá tác động của việc chậm bố trí vốn để thăm dò, phát triển trữ lượng mỏ dầu khí, than… đến tính bền vững đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng phức tạp. Ảnh: Lê Quân. |
Năng lực khai thác hay tận dụng cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn chuyển biến chậm. Vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương; đổi mới y tế cơ sở chậm được khắc phục; trục lợi bảo hiểm y tế.
Công tác phòng cháy, chữa cháy đã được quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên còn chậm chuyển biến, nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Công tác dự báo, phối hợp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, có trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân.
Việc xử lý một số vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn còn kéo dài; một số vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội chậm được xử lý. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm dần theo từng năm, nhưng vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai.
Tình hình xung đột, tranh chấp đất đai diễn ra từ nhiều năm trước có dấu hiệu càng gay gắt, nhưng các cấp chính quyền chưa quan tâm nhiều đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dự các phiên tòa hành chính đã đẩy một số vụ việc càng phức tạp hơn, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Không để thất thu từ khu vực ngoài Nhà nước
Trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị quan tâm thêm một số nhóm giải pháp, nhiệm vụ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, lựa chọn thời điểm và mức độ tăng giá phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tập trung cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách, giảm bội chi. Cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng trước khi đề xuất các loại thuế mới.
Ủy ban Kinh tế đề nghị kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài Nhà nước, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng chuyển giá, chuyển giá ngược, trốn thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ khi đề xuất luật thuế mới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cơ cấu lại và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo đúng tiến độ. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch. Yêu cầu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 về kết quả xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả của ngành công thương.
Tăng cường hoàn thiện thể chế và thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo chiều sâu. Quan tâm, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tiếp cận, thích ứng với những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm đánh giá thực chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hoá tại khu công nghiệp. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Tăng cường thúc đẩy để đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới trên biển và trên đất liền còn tồn đọng với các nước.