Ban Dân vận Trung ương vừa có công văn "Một số vấn đề cần quan tâm về tình hình nhân dân trong công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam", gửi tới Thủ tướng.
Theo thống kê, trong 10 tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn nhất cả nước thì có tới 7 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. 19/22 tỉnh, thành phố phía Nam cũng đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Việc chữa trị người mắc Covid-19 còn bất cập
Chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm, Ban Dân vận Trung ương trước hết nhắc đến thực tế nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; hàng trăm nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc.
Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh theo mô hình “3 tại chỗ”, song thực tế cho thấy điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng “3 tại chỗ” rất hạn chế, nếu áp dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người lao động, khiến người lao động và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó là thực tế một bộ phận người lao động không được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ.
Ban Dân vận Trung ương nêu thực tế còn tình trạng F0 chưa kịp đưa đến khu cách ly (chờ 3-5 ngày), tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về vấn đề điều trị, tại TP.HCM, do dịch bùng phát, lây lan nhanh nên việc chữa trị người nhiễm bệnh còn một số hạn chế, bất cập như các bệnh viện, khu điều trị bị quá tải, thiếu xe cấp cứu.
Bên cạnh đó còn tình trạng F0 chưa kịp đưa đến khu cách ly (chờ 3-5 ngày), tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao, thậm chí có trường hợp bệnh nhân trở nặng tại nhà, lực lượng y tế chưa kịp cấp cứu dẫn đến tử vong gây hoang mang, lo lắng, đau xót trong gia đình, người thân và những người xung quanh.
Đặc biệt, còn tình trạng các bệnh viện chỉ tập trung cho việc điều trị Covid-19 mà không nhận bệnh nhân cấp cứu vì những bệnh thường gặp như tai biến, đột quỵ, tai nạn giao thông... khiến việc chữa trị bệnh nhân gặp trở ngại.
Ban Dân vận đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn về thủ tục để người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc ngừng việc được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68.
Bên cạnh đó, tháo gỡ ngay khó khăn trong việc mua các trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị bệnh và trang bị bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe, tính mạng đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo cơ sở vật chất, cung ứng suất ăn cho công nhân đảm bảo sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch.
Xem xét không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu cách ly
Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị Chính phủ tập trung mọi nguồn lực và giải pháp nhằm giảm tình hình phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; tiếp tục có chủ trương, chế độ chính sách chăm lo cho nhân dân trong thời gian tới.
Bộ Y tế cần nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân và chỉ thực hiện khi có ca F0. Ảnh: Chí Hùng. |
Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu vaccine mà vẫn có vaccine bị hết hạn; nghiên cứu sớm triển khai tiêm vaccine dịch vụ để các doanh nghiệp có thể tổ chức tiêm cho nhân viên, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng
Bộ Y tế cũng cần xem xét trong trường hợp cụ thể, có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ khu vực xuất hiện F0, không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, chỉ áp dụng khi có F0.
Với các tỉnh, thành phố cần xem xét có kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động để duy trì sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ.
Các địa phương cũng cần quan tâm, không để các đối tượng yếu thế, nhất là người lao động thời vụ từ ngoại tỉnh, hộ nghèo bị thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu phục vụ cuộc sống.