Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN).
Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang
Theo dự thảo luật, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại kỳ họp trước, một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc Chính phủ và quy định là lực lượng vũ trang nhân dân, chưa thống nhất với Luật Quốc phòng, dễ gây hiểu nhầm tương đương với các lực lượng vũ trang khác...
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết quy định này là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định pháp luật.
"Đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSBVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định như dự luật", thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phát biểu chiều 5/11. Ảnh: Duy Ngọc. |
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng cần xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng CSBVN. Nữ đại biểu nhận định muốn xác định có phải lực lượng vũ trang hay không phải căn cứ vào tính chất hoạt động của lực lượng đó.
"Lực lượng này có chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển cũng giống như lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên đất liền. Nên, cảnh sát biển phải thuộc lực lượng vũ trang nhân dân", bà Nguyệt cho ý kiến.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng khẳng định vai trò CSBVN là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, vì vậy quy định lực lượng vũ trang là hợp lý.
Đề nghị bổ sung hành vi môi giới hối lộ cảnh sát biển
Về các hành vi bị cấm (điều 7) đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thấy có những hành vi bị cấm, đó là cấm trả thù, đe dọa, mua chuộc, hối lộ cảnh sát biển (khoản 1, khoản 2).
Đại biểu tỉnh Kon Tum phân tích trên thực tế có hiện tượng bắt giữ cảnh sát biển, gọi là bắt giữ người trái phép hay không chỉ hối lộ mà có thể môi giới hối lộ trong cảnh sát biển.
"Tôi đề nghị bổ sung thêm khoản 1, khoản 2 hành vi bắt giữ, hành vi môi giới hối lộ", ông Tô Văn Tám nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến đại biểu nêu. Ảnh: Minh Quân. |
Về vấn đền này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng góp ý quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, theo nhận thức của ông, phần lớn các hành vi được nêu trong điều luật này đều có dấu hiệu, hành vi phạm tội, đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về việc quy định những hành vi này trong dự thảo luật để không trùng lắp với quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Giải trình làm rõ một số ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng cơ bản, các ý kiến đồng ý với tờ trình về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến hôm nay để chính lý dự luật chặt chẽ hơn trước khi Quốc hội thông qua vào ngày 20/11 tới đây.