Trái vải thiều Việt Nam đã được bán tại nhiều nước như Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Úc... Thị trường vải ngày càng được mở rộng. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng vải.
Thế nhưng hàng loạt trái cây đặc sản miền Tây như sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dưa hấu, ổi… dù mới vào đầu vụ nhưng “giá rẻ như cho”, chất thành đống trên vỉa hè TP HCM.
Vậy phải làm gì để không chỉ trái vải “có tin vui” mà các mặt hàng nông sản khác cũng không lặp đi lặp lại tình trạng được mùa mất giá? Nhiều kinh nghiệm, giải pháp đã được đưa ra tại hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ trái vải do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức ngày 10/6 tại TP HCM.
Rớt giá thê thảm
Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương bán trái cây ở chợ Bà Hoa, cho biết, khoảng nửa tháng nay giá mãng cầu rớt mạnh, hiện chỉ còn 16.000-25.000 đồng/kg. Nhiều loại trái cây đặc sản khác cũng tương tự. “Trái cây ở miền Tây đang vào mùa, hàng về nhiều nên giá rớt mạnh”, chị Hoa nói.
Trong khi đó tại nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp, quận 12 nhiều loại trái cây đặc sản đổ đầy trên vỉa hè hay bán dạo với giá rẻ. Chôm chôm mới đầu mùa nhưng giá giảm còn 10.000 đồng/kg, chôm chôm thường 7.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 17.000 đồng/kg.
So với cùng thời điểm này năm ngoái, mức giá này chỉ bằng một nửa, thậm chí thấp hơn.
Trái cây đặc sản miền Tây tràn vỉa hè Sài Gòn, giá rẻ như cho. |
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho hay lượng trái cây về chợ nhiều, bình quân 1.228 tấn/đêm. Còn một chủ vựa trái cây ở chợ đầu mối Hóc Môn nhận xét năm nào thanh long cũng rớt giá thê thảm. Ở thời điểm này thanh long ruột đỏ chỉ còn 5.000 đồng/kg, thậm chí có lúc 1.500-2.000 đồng/kg.
Liên quan đến trái vải, chủ vựa này nói năm nay vải thiều không bị rớt giá như mọi năm vì Trung Quốc và nhiều nước “ăn hàng”. Hiện giá vải thiều dao động khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.
Nhiều tiểu thương nhận xét nhiều loại trái cây cứ năm nào được mùa là mất giá.
“Giải cứu” nông sản nhìn từ trái vải
Phát biểu tại hội nghị nêu trên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố đã chỉ đạo các bên liên quan đưa trái vải thiều đến với hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối, các tỉnh và đạt kết quả rất khả quan. Dự kiến năm nay TP HCM sẽ tiêu thụ 80.000 tấn vải thiều.
Nêu kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều tại địa phương mình, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay đừng quan tâm đến việc giảm tiêu thụ vải ở thị trường này, tăng ở thị trường khác mà tất cả các thị trường đều phải quan tâm.
Để nông dân không phát triển vải ồ ạt, ông Hạnh chia sẻ: “Hằng năm tỉnh đều có chỉ đạo phải đảm bảo giữ sản lượng ổn định. Những diện tích trồng vải xấu thì vận động bà con nông dân chuyển sang trồng cây khác. Với diện tích vải hiện có thì hướng vào việc trồng theo các quy chuẩn đảm bảo làm giá trị trái vải tăng lên. Đồng thời, nếu làm tốt khâu thị trường thì bà con sẽ sản xuất ra quả vải chất lượng hơn. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, 80% diện tích vải ở Bắc Giang sản xuất theo VietGap”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Bộ không chỉ kết nối tiêu thụ trái vải mà còn nhiều mặt hàng nông sản khác. Bởi thực tế có rất nhiều mặt hàng cần cơ chế chính sách hợp lý để tạo ra sự ổn định, phát triển bền vững và gắn chặt sản xuất với thị trường tiêu thụ.
“Tôi mong muốn thông qua những hoạt động điều hành phối hợp trong sản xuất, canh tác và tiêu thụ trái vải, các cơ quan quản lý liên quan cùng nhau sớm tổng kết đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm từ mô hình này. Qua đó tham mưu cho Chính phủ, hình thành những chính sách cụ thể để có đủ sức mạnh, đủ nguồn lực tạo ra những liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản nói chung. Mặt khác, từ đó có thể hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông sản cũng như xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nhằm tạo ra mô hình phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Tuấn nhận định nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa trên sản xuất hộ cá thể, quy mô nhỏ là một trong những yếu tố cản trở ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao đổi mới canh tác trong nông nghiệp cũng như tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Điều này lý giải vì sao nông sản của Việt Nam có lợi thế nhiều về giá nhưng khó khăn lớn trong cạnh tranh với các nước khác, không chỉ rau củ quả, trái cây mà cả cao su, gạo, cà phê.
Trong khi đó, theo ông Tuấn, trái vải thiều có thuận lợi là trồng tập trung, đồng thời có sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, phương thức canh tác để đảm bảo trái vải có chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalG.a.p đã được mở rộng trên quy mô lớn nên chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường, ngay cả thị trường khó tính.
“Thời gian tới Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp theo mô hình trái vải. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo thu hoạch, chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Tuấn cam kết.
Hợp đồng với thương lái Trung Quốc
Ông Phan Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, nhận định thị trường Trung Quốc không khó tính lắm. Năm nay tỉnh tập trung vào hai thị trường mới, khó tính là Mỹ và Úc.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu vào hai thị trường này, ông Hùng nói Sở đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt 100 ha theo tiêu chuẩn GlobalG.a.p. Theo đó, có 1.000 tấn vải đủ chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Úc; còn vải đạt chuẩn VietGap với diện tích 12.200 ha thì phấn đấu đạt 80.000 tấn.
Theo ông Hùng, hiện tại nhiều nông dân Lục Ngạn đã có hợp đồng nguyên tắc với thương lái Trung Quốc. Về lâu dài, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển thị trường xuất khẩu mới như Mỹ, Úc, Pháp... để chủ động trong tiêu thụ trái vải.
Dù đã có nhiều cơ chế, chương trình đổi mới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt thông qua tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp với hàng loạt các đề án lớn nhưng sự cải thiện còn chậm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh