Năm 1889, James Hill, 18 tuổi, đến khởi nghiệp ở El Salvador với món hàng đầu tiên là đồ dệt may từ Manchester, Anh. Cùng với hành trình này, ông đã đưa phong cách công nghiệp từ thành phố quê hương của mình vào canh tác cà phê ở đất nước ông sẽ sinh sống lâu dài. Khoảng một thế kỷ sau, vào năm 1979, trước thềm cuộc cách mạng toàn diện ở El Salvador, cháu trai Jaime Hill của ông đã bị phiến quân bắt cóc để đòi tiền chuộc. Lực lượng cực đoan mong đợi số tiền chuộc này sẽ giúp họ tiếp tục nổi dậy chống lại những người trồng trọt giàu có như gia đình Hills - nhóm người đang thống trị về kinh tế và chính trị El Salvador trong nhiều thập kỷ.
Cuốn sách vừa ra mắt ngày 7/4. Ảnh: Amazon. |
Nhiều năm gia đình Hills phát triển tại El Salvador chính là nền tảng để Augustine Sedgewick, giảng viên tại Đại học thành phố New York, vẽ nên một bức chân dung đẹp, hấp dẫn và bao trùm về cách cà phê đã góp phần tạo ra một El Salvador thời hiện đại và con đường loại đồ uống này định hình thói quen của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Tất cả được giải đáp trong cuốn Coffeeland: One Man’s Dark Empire and the Making of Our Favorite Drug.
Bằng cách lần lại dấu vết của gia tộc Hills, Sedgewick đã đưa độc giả đến với một không gian lịch sử nơi hàng hoá là trung tâm - điều cũng phản ánh quy mô toàn cầu của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong thế kỷ 20. Thông qua đó, Sedgewick cũng tiết lộ một điều ít người chú ý: Lựa chọn thực tế của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà quảng cáo - những người tác động tới chuỗi buôn bán hàng hóa - sẽ góp phần tạo nên những liên minh kinh tế và chính trị và hậu quả từ những hành động của họ thường khắc nghiệt và khó lường.
"Thế lực" của cà phê tại El Salvador
Trọng tâm của cuốn Coffeeland là nhằm chứng minh rằng giá phải trả của một nền kinh tế tập trung vào việc độc canh cà phê vượt xa lợi ích họ đạt được. Khi Hills và những người trồng rừng cho ông dành thêm nhiều đất để canh tác cà phê, người dân bản địa phải tự kiếm ăn bằng cách tìm đồ ăn trong rừng và canh tác những mảnh đất nhỏ họ còn sót lại trong tay. Và sau khi những mảnh đất nhỏ này cuối cùng cũng bị hợp vào các đồn điền, phần lớn người dân phải vào làm việc trong các nhà máy để kiếm sống. Việc làm diễn ra theo mùa, lương thấp, khan hiếm lương thực và sự bùng nổ của thị trường cà phê quốc tế (khiến diện tích đất canh tác bị xoá sổ) đã đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói.
Công đoạn làm sạch cà phê tại El Salvador. Ảnh: Getty. |
Khi sự bất mãn lan rộng, nhóm Mười bốn gia đình - thế lực kiểm soát ngành xuất khẩu cà phê của El Salvador - muốn tăng cường quyền kiểm soát chính trị để bảo vệ cơ đồ kinh doanh của họ và nền kinh tế của một quốc gia nơi cà phê chiếm tới 90% xuất khẩu. Tình hình này phần nào tác động đến cục diện chính trị El Salvador. Đến những năm 1930, chính quyền quân sự vẫn nắm quyền lãnh đạo và mạnh tay đối phó với tất cả các phe đối lập. Cho đến khi cuộc nội chiến El Salvador bùng nổ vào những năm 1980 và sau đó một chế độ dân chủ đã giành chiến thắng vào năm 1992.
Đến lúc này, cà phê El Salvador không còn giữ được vị trí độc tôn mà nó từng có. Khi Brazil thống trị ngành sản xuất cà phê, cà phê Salvador đi theo hướng trở thành một sản phẩm cao cấp. Cuốn sách của Sedgewick cũng khai thác hình ảnh một người thừa kế khác của giới quý tộc cà phê El Salvador là Aida Batlle. Ông là một doanh nhân có đầu óc khách quan, nắm giữ vai trò quảng bá cà phê Salvador như một đồ uống độc đáo chỉ dành cho người sành ăn.
Một cô gái đi nhặt cà phê tại El Salvador năm 1955. Ảnh: Getty Images. |
Tác phẩm của Sedgewick cũng dệt nên nhiều tình tiết thú vị khác về cà phê, bên cạnh câu chuyện trồng cà phê ở El Salvador. Những nỗ lực quảng bá đã biến cà phê thành loại đồ uống yêu thích của thế giới. Cà phê được đưa vào khẩu phần cho những người lính trong Thế chiến 2 và sự bùng nổ cà phê đã len lỏi vào thói quen dùng thức uống này của người Mỹ. Một điều đặc biệt hay ho là Coffeeland nói tới việc các siêu thị được mở ở khắp nơi đã giúp tiếp thị cà phê đến mọi tầng lớp người dân.
Và ẩn sau câu chuyện về cà phê, Sedgewick cũng khơi gợi độc giả phải suy ngẫm về sự khó khăn mà nông nghiệp phải hứng chịu từ sự cạnh tranh ở nước ngoài, để rồi dẫn đến sự cam chịu bóc lột ở nhiều địa phương hay làm thế nào mà người tiêu dùng của thế giới thứ nhất góp phần vào sự bất bình đẳng của thế giới thứ ba.