Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐBQH lo bác sĩ vào phòng mổ bị phân tâm bởi ‘gói thầu A, hợp đồng B’

“Hãy thử hình dung bác sĩ vào phòng mổ thay vì toàn tâm cứu bệnh nhân lại phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B. Không thắng nổi cám dỗ, chuyện vào tù chỉ là sớm muộn", theo ĐB Long.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận sáng 13/6, trong bối cảnh ngành y tế đang dồn dập những biến cố.

Nhiều bất cập về cơ chế, chính sách được đại biểu Quốc hội đề xuất nhằm khắc phục vướng mắc để giúp cán bộ ngành y yên tâm làm việc.

Cần rạch ròi giữa chuyên môn và quản lý

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng cần chia sẻ khi ngành y tế đang trải qua khủng hoảng. Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra nhiều nơi trong khi những người có trách nhiệm không dám đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm.

Góp ý cho nội dung cần sửa đổi, ông Long đề cập đến mô hình bác sĩ kiêm nhiệm quản lý, điều hành bệnh viện công. “Nước ta là một trong số ít những quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm”, theo lời ông Long.

DBQH lo bac si gioi di tu vi phai lam quan ly anh 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long. Ảnh: Hồng Phong.

Theo vị đại biểu, giám đốc bệnh viện công trước hết phải là những người giỏi chuyên môn y khoa, trải qua quá trình phấn đấu lâu dài. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện, dẫn đến bấp cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế.

Suốt từ năm 1945 đến nay, ngành y tế luôn có hiện tượng là người giỏi chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo phải lựa chọn làm chuyên môn hay làm quản lý. "Như GS Tôn Thất Tùng, ông là người được giữ trách nhiệm cao, lãnh đạo ngành y tế, nhưng cuối cùng đã xin thôi để chuyên tâm cho hoạt động khoa học. Nếu ông làm nhà quản lý, chắc chắn thế giới thế kỷ XX đã không có nhà phẫu thuật gan nổi tiếng”, ông Long dẫn chứng.

Theo ông, với những người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn, áp lực nghiệp vụ là rất lớn và khó có thể hoàn thành 2 nhiệm vụ.

“Chúng ta thử hình dung GS, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B. Ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số những lợi ích, mối quan hệ chằng chịt, nếu không thắng nổi cám dỗ, không xử lý được hết mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”, đại biểu tỉnh Đồng Nai cảnh báo rủi ro.

Ông góp ý nên thí điểm mô hình bệnh viện công thuê giám đốc điều hành, thay nhà chuyên môn bằng những người quản lý chuyên nghiệp.

Dẫn chứng thực tế có bệnh viện bổ nhiệm 2 giám đốc, một giám đốc chuyên môn, một giám đốc điều hành tài chính, nhưng ông Long nhìn nhận đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể nào là giải pháp tổng thể cho nguồn nhân lực quản lý của ngành y tế.

Vì vậy, ông đề nghị luật sửa đổi phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công.

Xã hội hóa y tế gần như tạm dừng

Đề cập đến một bất cập khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy quan tâm đến vấn đề xã hội hóa, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị trong khám chữa bệnh.

Nhấn mạnh đây là chủ trương đúng, song nữ đại biểu phản ánh nhiều bất cập nảy sinh liên quan tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, lạm dụng chỉ định dịch vụ cao quá mức cần thiết, gây tốn kém cho người dân.

“Xã hội hóa, liên doanh liên kết hiện nay tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi, trong khi ở những cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là những địa phương có điều kiện khó khăn, rất cần xã hội hóa thì lại không thể xã hội hóa, dẫn tới thiệt thòi cho người bệnh”, bà Thủy nói.

DBQH lo bac si gioi di tu vi phai lam quan ly anh 2

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Hồng Phong.

Đặc biệt, qua theo dõi các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, bà cho rằng việc “thổi giá” không chỉ xảy ra trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mà còn được phát hiện qua việc triển khai các đề án liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh tại một số bệnh viện.

Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai, đã ký hợp đồng đặt robot hỗ trợ kỹ thuật với giá gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ hơn 7,4 tỷ lên 39 tỷ, làm lợi cho một nhóm người, gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân sử dụng máy này.

Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng quan trọng là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro, nhất là dễ bị lợi dụng, cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho Nhà nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn khi dự thảo chỉ duy nhất chỉ có điều 90 quy định về xã hội hóa, liên doanh liên kết, lại chỉ quy định chung chung, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.

“Xã hội hóa y tế hiện nay gần như đã tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đã đóng băng, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng ngày càng nâng cao”, nữ đại biểu nhấn mạnh các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ vào việc sửa đổi bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Được đề nghị giải trình rõ hơn về dự thảo luật thay lãnh đạo Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về xã hội hóa và liên doanh liên kết trong bệnh viện công, cần có giải pháp đột phá.

“Phải quản lý giá dịch vụ y tế dù công hay tư. Chúng ta cần có quy định để không buông lỏng nhưng phải đảm bảo quyền tự chủ để y tế tư nhân phát triển tốt hơn”, theo lời Phó thủ tướng.

Về liên doanh liên kết trong bệnh viện công lập, ông Đam nói đây là đặc thù với Việt Nam, thực sự rất khó nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng.

Theo ông, ở các nước, công là công, tư là tư, khi đã liên doanh liên kết với tư nhân tức là hạch toán theo chế độ tư nhân, nhưng với mô hình liên doanh liên kết như ở Việt Nam, luật cần quy định rõ hơn vấn đề này. "Chìa khóa là phải yêu cầu công khai, minh bạch tất cả khoản thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu, ông Đam nói.

Ông Nguyễn Thanh Long đã can thiệp, hỗ trợ Công ty Việt Á

Hàng loạt sai phạm như buông lỏng lãnh đạo, thiếu giám sát, hỗ trợ Việt Á... là lý do khiến ông Nguyễn Thanh Long mất chức Bộ trưởng Y tế và bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm