Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

'Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch chủ động'

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong quá trình thực hiện, nguyên tắc đảm bảo an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu.

Chiều 27/5, tại buổi lễ phát động tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để nhanh chóng đạt miễn dịch chủ động và tỷ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn yêu cầu mục tiêu an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, với phương châm ‘tiêm đến đâu an toàn đến đó’. Việc tổ chức buổi tiêm chủng phải đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch và an toàn tiêm chủng”.

mien dich chu dong anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân để nước ta sớm đạt miễn dịch chủ động. Ảnh: Thạch Thảo.

Để thực hiện được điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị mỗi cá nhân trong khu công nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng, chống dịch; coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ sở tiêm chủng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch theo quy định và đảm bảo an toàn tiêm chủng; đặc biệt là xử trí phản ứng sau tiêm nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông Tuyên nhấn mạnh vaccine phòng Covid-19 cũng như bất kỳ loại vaccine nào khác, có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm nhất định gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; phản ứng nặng, hiếm gặp. Những trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm cần phải được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi đi tiêm chủng cần phối hợp với cán bộ y tế, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Người dân cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử bệnh, dị ứng, phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước, các thuốc đang sử dụng... Sau khi tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ trong 24 giờ đầu và 2 tuần sau đó”, Thứ trưởng nói thêm.

Đồng thời, ông khuyến cáo người dân tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế, khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe... cần tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

mien dich chu dong anh 2

Trong đợt 3, Bộ Y tế phân bổ hơn 1,68 triệu liều vaccine Covid-19. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Trên thế giới, hiện nay, nguồn cung vaccine phòng Covid-19 rất khó khăn. Để chủ động phòng chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành tìm nguồn cung ứng vaccine khác nhau nhằm đảm bảo có vaccine tiêm chủng cho người dân sớm nhất và đảm bảo công bằng, an toàn, hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, với sự nỗ lực không ngừng của Bộ Y tế, Việt Nam đã tiếp cận với các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 khác nhau bao gồm nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, đàm phán với các nhà sản xuất để có được vaccine phòng bệnh.

Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát ở các khu công nghiệp, Chính phủ và Bộ Y tế đã quyết định ưu tiên tiêm chủng vaccine Covd-19 sớm cho công nhân, người lao động tại đây. Chiều nay (27/5), tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu tiêm vaccine cho 400 công nhân.

Trước đó, thực hiện chiến lược sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân trên diện rộng của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 1, đợt 2 cho các địa phương, đơn vị để tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên.

Ngày 20/5, Bộ Y tế ban hành quyết định phân bổ hơn 1,68 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đợt 3. Trong đó, Bắc Ninh tiếp tục được nhận 28.000 liều. Ở hai đợt tiêm chủng trước đó, ông Tuyên đánh giá Bắc Ninh là địa phương triển khai tiêm chủng đúng tiến độ với tỷ lệ sử dụng vaccine cao.

Khi nào Việt Nam có đủ 150 triệu liều vaccine Covid-19?

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đang đề nghị mua thêm 10 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer thông qua chương trình COVAX Facility.

Dịch Covid-19

Thạch Thảo - Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm