Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021, đề cập những nội dung cụ thể của giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh về vấn đề tự chủ đại học. Theo đó, trong năm học tới, tự chủ đại học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả.
Theo đó, tự chủ là để đại học năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện. |
Người đứng đầu ngành giáo dục yêu cầu các trường cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế để từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ thuận lợi cho tự chủ. Ngoài ra, muốn triển khai tự chủ đúng hướng, cơ sở giáo dục đại học cần nâng cao nhận thức và thống nhất cách hiểu để áp dụng các quy định về tự chủ.
"Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học. Có làm được điều đó, tự chủ đại học mới đầy đủ và có chiều sâu”, Bộ trưởng khẳng định.
Đi cùng với tự chủ, một yếu tố cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo tăng cường trong năm học tới là công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, trong đó vai trò kiểm soát thông qua các bộ công cụ của cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố quan trọng.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai rà soát các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, củng cố và phát triển các trung tâm kiểm định và đội ngũ kiểm định viên; hoàn thiện hệ thống chế tài xử phạt và sẽ làm sát thực tế hơn, nghiêm minh hơn. Ngoài ra, bộ sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác hậu kiểm định.
Trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, ông Nguyễn Kim Sơn cũng nhắc tới tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.
Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, hai đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.
Bước sang năm học mới, giáo dục đại học cần tiếp tục khắc phục khó khăn để tiếp tục lộ trình đổi mới. Trong đó, các trường cần tăng cường giải pháp thích nghi với điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, thực hiện chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, kiên trì mục tiêu chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
Trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các trường đại học cần tham gia chống dịch bằng tất cả khả năng có thể. Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu tư vấn chính sách về kinh tế - xã hội, việc làm, giải quyết những tác động của dịch bệnh tới con người, xã hội, tâm lý.
“Giáo dục đại học không chỉ chuyển đổi số và ứng phó cho mình, mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, hỗ trợ cho bậc học phổ thông và giáo dục địa phương” - Bộ trưởng GD&ĐT nói.
Đồng thời người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định với vai trò là trung tâm trí tuệ thì đây là việc các trường đại học cần lưu ý.
Tự chủ đại học ghi nhận sự thay đổi rất lớn về nhận thức và sự triển khai quyết liệt của các trường. 142/175 đơn vị công lập, 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đã hoàn thành kiện toàn hội đồng trường.
Hiện, bộ đang soạn thảo, xây dựng văn bản sửa đổi nghị định 125/2011/NĐ-CP về trường của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang và triển khai thành lập hội đồng trường tại các trường công an, quân đội.
Đội ngũ của các trường đại học cũng gia tăng về chất lượng. Cụ thể, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ là 31,12%, tăng so với trước (28,9% năm 2019 và 30% năm 2020).
Số bài báo ISI/SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2016. Sau 5 năm, các cơ sở giáo dục đại học vượt 75.400 bài, chiếm hơn 77% trong tổng số bài báo ISI/SCOPUS cả nước.
Về đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định giai đoạn 2016-2021 cũng tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 7/2021, 170 cơ sở và 241 chương trình đào tạo đạt chuẩn trong nước; 216 chương trình đào tạo và 7 cơ sở đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.