Theo danh sách được Brand Finance công bố mới đây, Việt Nam có đến 4 nhà băng góp mặt trong danh sách 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu.
Đáng chú ý, năm nay, ngoài ngân hàng thương mại cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước thì danh sách trên còn có sự góp mặt của một ngân hàng tư nhân VPBank. Vị trí thứ 361 của nhà băng này là tín hiệu cho thấy sự cải thiện đáng kể về giá trị thương hiệu VPBank nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.
VPBank là nhà băng tư nhân đầu tiên của Việt Nam vào top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu. |
Brand Finance định giá thương hiệu VPBank ở mức 354 triệu USD, tăng 6,3 lần trong vòng 3 năm qua. Không riêng Brand Finance, nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá cao giá trị thương hiệu của các ngân hàng Việt Nam. The Asian Banker từng xếp 14 ngân hàng thương mại Việt Nam vào top 500 khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2018. Cùng với đó, tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s cũng đã nâng mức xếp hạng của 14 ngân hàng Việt Nam, trong đó có VPBank.
“Đây là tin tốt. Ngân hàng không chỉ là một doanh nghiệp, mà còn là đại diện cho nền kinh tế và uy tín của một quốc gia. Vì vậy, việc thương hiệu của những ngân hàng Việt Nam, dù là ngân hàng thương mại Nhà nước hay tư nhân, được đánh giá cao là rất quan trọng”, ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Nói về sự phát triển của các ngân hàng Việt trong những năm qua, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện khu vực miền Bắc của Nielsen, cho biết “sức khỏe” thương hiệu của các ngân hàng tại Việt Nam đã có sự chuyển biến rất tích cực.
“Chỉ số sức khỏe thương hiệu trung bình ngành quý 4/2018 đã tăng 28% so với quý 4/2015. Đây là bước tiến lớn đối với các ngân hàng Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy được những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa từ phía các ngân hàng”, bà Đặng Thúy Hà nói.
Ngân hàng Việt đã liên tục thăng hạng về giá trị thương hiệu, thậm chí nhà băng tư nhân đã vào top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm nên bước chuyển này?
Ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank cho rằng lý do nằm ở nỗ lực tạo khác biệt của nhà băng. Theo ông Việt, kể từ khi đổi tên thành Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng vào năm 2010 đến nay, “Nghĩ khác - làm khác - liên tục cải tiến để vươn tới vị trí dẫn đầu” luôn thể hiện trong mọi công việc tại VPBank. Nhờ vậy, dù khởi động đổi mới muộn hơn nhiều ngân hàng khác, VPBank vẫn thu về nhiều thành tựu ấn tượng khi giành được 25 giải thưởng quốc tế về các lĩnh vực ngân hàng cá nhân, ngân hàng cho SME, ngân hàng điện tử, thẻ tín dụng, dịch vụ khách hàng...
VPBank có nhiều thay đổi về nhận diện thương hiệu sau khi đổi tên. |
“VPBank tiên phong xây dựng thương hiệu thông qua các sự kiện âm nhạc và văn hóa, tới mức mấy năm gần đây, nói đến sự kiện văn hóa quốc tế tại Việt Nam là người ta nói đến VPBank”, ông Việt nói.
Năm ngoái, tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách top 40 Thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018 và trong danh sách đó, VPBank đứng thứ 13, vươn lên dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần. Đáng chú ý, Forbes chỉ định giá thương hiệu của VPBank là 99,2 triệu USD, trong khi Brand Finace định giá ngân hàng này lên tới 354 triệu USD.
Trong 3 năm qua, lợi nhuận của ngân hàng tăng gần gấp đôi, lên 9.200 tỷ đồng, đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất, lần lượt là 2,4% và 22,8%.
“Sự cải thiện nhanh chóng về sức mạnh thương hiệu có ảnh hưởng tương hỗ không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi, giúp thu hút thêm và củng cố sự trung thành của khách hàng, đồng thời tăng áp lực với toàn hệ thống để cải thiện giá trị thương hiệu trong những năm tiếp theo”, ông Việt nói.
Đồng quan điểm, bà Hà cho rằng, một thương hiệu tốt chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo bà Hà, các nghiên cứu của Nielsen toàn cầu cũng cho thấy những doanh nghiệp có chỉ số sức mạnh thương hiệu tốt thường chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường.
“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng phải cố gắng nhiều hơn nữa, để duy trì được sức mạnh thương hiệu và mức độ gắn kết khách hàng”, bà Hà nói.