Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đây là kẽ hở khiến gian thương nở rộ trên mạng

Chính sách không cho xem hàng trước khi thanh toán của các sàn thương mại đã tạo điều kiện cho nhiều gian thương lừa đảo khách hàng.

Theo Lazada, kể từ ngày 15/3/2019, sàn thương mại này áp dụng chính sách không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng. Theo đó, người mua khi nhận hàng sẽ không được mở ra xem mà chỉ được kiểm tra các yếu tố bên ngoài. Người mua chỉ có quyền mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên vận chuyển.

khong cho dong kiem hang anh 1
Đồ công nghệ, điện tử được các gian thương lừa bán cho người dùng bằng cách rao trên Lazada nhưng vận chuyển ngoài dịch vụ.

Ngoài Lazada, một số sàn thương mại khác như Shopee cũng áp dụng chính sách bỏ đồng kiểm. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Theo nhiều ý kiến của người dùng, việc các sàn thương mại điện tử không cho kiểm hàng trước khi mua sẽ “tiếp tay” cho các hành vi gian lận thương mại.

Sau hơn 4 tháng áp dụng chính sách không đồng kiểm, người dùng đã bắt đầu phàn nàn về việc nhiều thương gia đã lợi dụng lỗ hổng của chính sách này.

Lợi dụng không cho đồng kiểm để lừa đảo nhận hàng

Thực trạng hàng giả, nhái trên các sàn thương mại như Lazada từ lâu đã được người dùng phản ánh. Trong đó, các mặt hàng như đồ điện tử, điện thoại là nhóm hàng được các gian thương tập trung.

Bằng một số thủ thuật, các shop bán thiết bị điện tử giả đã có thể giao hàng cho khách thành công mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Cụ thể, sau khi nhận được đơn đặt hàng, chủ shop trên Lazada lập tức hủy đơn. Tiếp đến, một người tự nhận là "hệ thống xác nhận đơn hàng của Lazada" gọi đến số điện thoại được dùng để đăng ký mua hàng.

Trong suốt cuộc nói gọi, những gian thương này sẽ khẳng định khách hàng đã tự hủy đơn hàng. Đồng thời, "nhân viên Lazada" ngỏ ý nếu vẫn tiếp tục muốn nhận hàng thì "phía Lazada" sẽ vận chuyển theo hình thức COD (thu tiền khi giao).

"Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chủ shop sẽ bằng mọi thủ đoạn hủy đơn và dùng thông tin khách hàng có trên Lazada để ship sản phẩm bằng các dịch vụ bên thứ ba", ông Lê Minh Hiệp, người có gian hàng thời trang trên Lazada chia sẻ.

Chiêu lừa đảo giao hàng ngoài luồng của các shop trên Lazada Bằng mọi cách, chủ gian hàng cố tình hủy đơn và chuyển hàng không qua Lazada cho những người mua thiếu cảnh giác. Những đơn hàng này sẽ không được hưởng hậu mãi từ Lazada.

Theo ông Hiệp, người mua có thể mất cảnh giác khi nghe cụm từ "nhân viên Lazada" từ đó chấp nhận mua hàng với suy nghĩ mình sẽ được bảo vệ từ sàn thương mại điện tử này.

Tuy vậy, một khi đơn hàng đã bị hủy, người mua sẽ không nhận được bất kỳ hình thức hậu mãi nào từ hoàn trả, bảo hành đến đánh giá shop bán hàng. "Nói cách khác, chiếc iPhone nhái trên Lazada sẽ được bán cho người dùng ngoài chính sách của sàn thương mại điện tử này", ông Hiệp cho biết.

Chiêu trò lừa đảo này đã được áp dụng từ sau khi Lazada thông báo không đồng kiểm hàng khi giao. Các shop lừa đảo thường dựa vào lý do Lazada không cho kiểm hàng. Nếu có hư hao hay không đúng hàng, Lazada sẽ đứng ra giải quyết.

Việc này được các shop lừa đảo sử dụng nhuần nhuyễn theo công thức: hủy đơn > ship không qua Lazada/Shopee > nhận tiền > nếu có sự cố thì yêu cầu khách liên hệ Lazada/Shopee và chối bỏ trách nhiệm.

khong cho dong kiem hang anh 2
Vì không cho kiểm hàng, nhiều người nhận được chiếc ly thay vì linh kiện máy tính.

"Nhờ công thức này mà các shop bán hàng giả, nhái trên Lazada tha hồ phóng đại, quảng cáo lố các sản phẩm bởi họ sẽ không phải chịu trách nhiệm. iPhone nhái họ có thể thoải mái nói là chính hãng. Chỉ cần bước hủy đơn và ship ngoài không bị người dùng phát hiện là họ có thể tiếp tục tồn tại. Nếu bị phát hiện thì Lazada cũng chưa có quy trình xử lý việc này", ông Hiệp chia sẻ.

Thậm chí, có khách hàng còn bị tráo sản phẩm khi mua hàng trên Lazada bằng thủ đoạn hủy đơn giao ngoài này. Một số người dùng đặt điện thoại nhưng chỉ nhận được cục gạch, ly nước...

Không mua vẫn nhận hàng 

Ngày 8/4, chị M.N ngụ quận 2, TP.HCM cho biết đã nhận được một đơn hàng trị giá hơn 300.000 đồng từ đơn vị chuyển phát Giao hàng tiết kiệm. Ở mục người gửi ghi "Shopee". Đáng chú ý, gia đình chị N không hề đặt đơn hàng này, nhưng thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi rất chính xác.

"Gói hàng này do người giúp việc nhận giúp vì thông tin rất chính xác. Do nhà tôi đông người nên khi có đơn hàng giao đến thường chủ động nhận vì nghĩ có một ai đó trong nhà đã đặt", chị N chia sẻ.

khong cho dong kiem hang anh 3
Không cho đồng kiểm cũng là nguyên nhân nạn ship lụi. Người dùng không biết bên trong gói hàng có phải là thứ mình đã đặt hay không.

Theo chị N, đây không phải lần đầu gia đình chị nhận gói hàng như vậy. Trước đó, có hai đơn hàng khác trị giá trên 100.000 đồng cũng được ship tới nhà chị và cũng được người giúp việc thanh toán.

Bên cạnh đó, thời gian đến của những đơn hàng "ship lụi" cũng khá tương đồng với các đơn mà chị N đặt vì vậy rất khó để phân biệt thật giả.

Cuối tháng 6, vlogger công nghệ Vinh Vật Vờ cũng từng nhận một gói hàng đến studio. Bên trong là những bộ váy của phụ nữ. Vlogger này chia sẻ những đơn hàng này anh không hề đặt.

Trả lời Zing.vn, đại diện truyền thông Shopee cho biết phía trang thương mại không ghi nhận bất kỳ giao dịch đặt mua nào từ số điện thoại của chị N. Bên cạnh đó, thông tin của chị N cũng chưa từng được lưu trong hệ thống của Shopee.

"Nạn ship lụi đã tồn tại từ lâu, nở rộ nhất là khi bỏ quy định đồng kiểm. Bởi nếu đơn hoàn thì không mất thêm tiền đóng gói", Lê Minh Hiệp, người có tiếng trong giới bán hàng online cho biết.

khong cho dong kiem hang anh 4
Vlogger Vinh Vật Vờ từng nhận 3 chiếc váy dù không đặt hàng.

Mục tiêu của những "shop ship lụi" là các gia đình có mức thu nhập khá, được xác định qua nơi ở. Bên cạnh đó, các gia đình đông người thường là nạn nhân của tình trạng ship lụi bởi khi gói hàng tới, khách hàng thường có thói quen chỉ xem đúng thông tin và nhận giùm người thân.

"Nếu có một đơn hàng thành công, các shop sẽ thỉnh thoảng gửi hàng đến nhà khách với hy vọng lừa thêm được lần nữa", ông Hiệp nói thêm.

Ngày nay, thông tin khách hàng có thể bị lộ theo rất nhiều cách, từ thông tin đăng ký mua nhà đất, đăng ký trường học cho con đến việc đăng ký thẻ thành viên tại các nơi mua sắm. Hiện chưa có giải pháp triệt để nhằm chấm dứt vấn nạn này.

"Trong thời đại mà thông tin khách hàng đang được rao bán tràn lan trên các trang trực tuyến, người dùng cần cảnh giác hơn để tránh không đặt hàng mà phải thanh toán và thường là hàng kém chất lượng", ông Hiệp kết luận.

Mua Apple Watch 250.000, nhận đồng hồ đồ chơi tại Hà Nội

Ngày 2/8, trang Facebook đã xác thực của Công an TP Hà Nội đăng bài viết có nội dung cảnh báo người dân trước thủ đoạn lừa đảo của một shop bán hàng online.



Trọng Hưng

Bạn có thể quan tâm