Samsung S8000 Jet ra mắt năm 2009 được mệnh danh là chiếc máy phổ thông mạnh mẽ nhất khi sở hữu màn hình AMOLED 3,1 inch, độ phân giải 480 x 800 pixel và chiếm tỷ lệ bao phủ mặt trước rất lớn lên đến 47%.
Mật độ điểm ảnh máy đạt được là 301 ppi, tiệm cận với chuẩn Retina của Apple với 330 ppi trên iPhone 4. Màn hình S8000 Jet có thể hiển thị 16 triệu màu, trong khi Android 1.6 (phát hành vào tháng 9/2009) chỉ mới đạt giới hạn hiển thị 65 nghìn màu.
Thiết kế của Samsung S8000 Jet. Ảnh: GSMArena. |
Gần một năm sau, Samsung trình làng chiếc Galaxy S đầu tiên sử dụng tấm nền Super AMOLED. Về cơ bản, Super AMOLED là một bản nâng cấp khi sử dụng cảm ứng điện dung, giúp cảm ứng trực tiếp mà không cần bút cảm ứng.
Trong khi đó, S8000 Jet sử dụng cảm ứng điện trở nhưng có độ trễ rất thấp. So với các đối thủ cùng thời, trải nghiệm cảm ứng của máy nhạy hơn nhiều, khác xa so với thời kỳ cảm ứng điện trở mới xuất hiện và cần bút stylus để nhấn.
Bên trong S8000 Jet là vi xử lý của Qualcomm xung nhịp 800 MHz giúp máy hoạt động mượt mà trên giao diện TouchWiz. Các thao tác vuốt chạm, chuyển đổi và mở ứng dụng đều được xử lý nhanh chóng. Thậm chí, máy còn có thể mở tối đa 5 tab trình duyệt mà không gặp vấn đề gì.
Đúng như tên gọi, Samsung Jet mang lại tốc độ xử lý ấn tượng khi có thể thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc, chuyển đổi giữa các ứng dụng mượt mà và thêm các widget hay thay đổi chủ đề mà không gặp bất kỳ hiện tượng giật lag.
Về camera, S8000 Jet được trang bị cảm biến 5 MP cùng đèn flash LED kép. Máy có thể quay video 480p ở 30 fps và slow-motion 240p ở 120 fps. Ở mặt trước là một camera selfie hỗ trợ gọi video 3G. Thời điểm bấy giờ, thuật ngữ “selfie” chưa được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp di động.
Thật khó tin khi nói đây là ảnh chụp từ một chiếc máy 11 năm tuổi. Ảnh: GSMArena. |
Điểm yếu duy nhất của S8000 Jet là kho ứng dụng nghèo nàn. Các ứng dụng J2ME chỉ hoạt động tốt với điện thoại cơ bản chỉ không trang bị màn hình cảm ứng và sử dụng phím bấm truyền thống.
Nhưng không có nghĩa là ứng dụng trên máy không hoạt động tốt. Trình duyệt Dolfin là ví dụ điển hình khi được tích hợp tính năng thu phòng một ngón tay – sự thay thế hoàn hảo cho việc không hỗ trợ thao tác đa điểm của màn hình cảm ứng điện trở.
Dolfin được xem là phần mềm tốt nhất của Samsung ngày trước khi được tích hợp công cụ chặn quảng cáo mà cho đến nay, trình duyệt Samsung Internet vẫn còn sử dụng. Nhờ vi xử lý mạnh mẽ và bộ nhớ RAM khủng, Dolfin hỗ trợ flash đầy đủ và có thể mở nhiều tab cùng lúc.
Bên cạnh chip xử lý mạnh mẽ, Samsung S8000 Jet còn là một trong những mẫu máy đầu tiên hỗ trợ 3G HSPDA, cho tốc độ tải xuống thực nghiệm lên đến 3,6 Mbps/s. Đi cùng với đó là hệ thống định vị GPS tích hợp, nhưng đáng tiếc thay máy không được tặng kèm bất kỳ ứng dụng điều hướng nào.
Tại thời điểm đó, người dùng phải chi thêm tiền nếu muốn sử dụng các ứng dụng bản đồ chỉ dẫn. Điển hình là Samsung Navigator với mức giá 70 Euro nhưng chỉ có thể sử dụng một năm. Về sau, sự xuất hiện của Nokia HERE WeGo và Google Map đã giúp người dùng có thể sử dụng bản đồ miễn phí.
Giao diện máy không có nhiều khác biệt so với Android hiện tại. Ảnh: GSMArena. |
Một nhóm phát triển đã boot thành công Android và kho ứng dụng Play Store lên Samsung Jet, bù lại hai tính năng gọi và gửi tin nhắn không thể hoạt động.
Samsung S8000 Jet là một trong những chiếc fearturephone mạnh mẽ nhất từng được phát triển. Đáng tiếc thay, thời điểm máy ra mắt cũng là lúc iOS và Android đang bình định thị trường di động.
Không vì thế mà Samsung từ bỏ ý định phát triển hệ điều hành riêng. Vài năm sau đó, công ty tạo nên Bada và Tizen nhưng vì không được phổ biến rộng rãi nên cả hai đều thất bại.
Cuối cùng, Samsung vẫn trung thành với Android vì đây là cách dễ dàng nhất tạo nên một chiếc smartphone – nó giúp tiết nhiều thời gian, công sức trong việc tối ưu hóa phần mềm lẫn phần cứng. Nhưng dù vậy, điện thoại thông minh ngày này không mang nhiều sáng tạo đột phá như các mẫu điện thoại ngày trước.