Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đây là bước lấn tới của TQ, hành vi 'xâm lược mềm'

90 triệu dân Việt Nam sẽ không chịu ngồi im nhìn Trung Quốc lộng hành, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, bày tỏ kiên quyết.

Việt Nam là khu vực mắt xích địa chính trị quan trọng trong khu vực. Trong khi đó, âm mưu của Trung Quốc là hạ đặt giàn khoan, từ từ "nuốt" toàn bộ khu vực Biển Đông, để tiếp tục lấn qua Malacca, sang Ấn Độ Dương.

Ta kiên quyết, nhưng tránh bị khiêu khích, châm ngòi

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những phản ứng của Việt Nam trong những ngày qua về hành vi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của ta?

- Trước hết, cần khẳng định rằng, đây không phải là hành vi đơn lẻ, thuần túy về mặt kinh tế, mà là âm mưu độc chiếm của Trung Quốc nhằm "nuốt" khu vực trọng điểm của Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm mở đường vượt Malacca sang Ấn Độ Dương.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Đây là một bước lấn tới của Trung Quốc, một hành vi "xâm lược mềm". Nhà nước ta đã phản ứng kịp thời, nhưng theo tôi cần quyết liệt hơn nữa. Người dân rất hoan nghênh chủ trương ứng phó của lực lượng thực thi pháp luật của ta. Dù Trung Quốc dùng vòi rồng phun, cố ý đâm vào tàu của ta, nhưng chúng ta không khuất phục, họ dùng vũ lực, ta phải tự bảo vệ. Cấp độ họ sử dụng như thế nào để tấn công ta, ta phải dùng cấp độ tương ứng để tự vệ.

 

Trên bình diện quốc tế, chúng ta cũng phản ứng nhanh, kịp thời thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan khác quan tâm và có lợi ích ở khu vực Biển Đông. Như lời ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, rằng, Bộ Ngoại giao hầu hết các nước đều bày tỏ lo ngại trước các hành vi của Trung Quốc.

Lần đầu tiên, Mỹ công khai tuyên bố rất nhanh, chỉ trích Trung Quốc khiêu khích ở Biển Đông, bất lợi đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, tôi cho rằng ta nên tận dụng những ý kiến thiện chí của giới học giả Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc không tìm cách gây chiến với Việt Nam.

Thậm chí, trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình còn đóng góp công sức cho Việt Nam khá nhiều. Như vậy, hành vi lần này của Trung Quốc khác nào phủ định hoàn toàn những đóng góp trước đây của họ?

90 triệu dân Việt Nam không ngồi im nhìn Trung Quốc lộng hành

- Với những ngư dân gặp khó khăn trực tiếp trên ngư trường đánh bắt truyền thống thì sao, thưa ông? Có cách nào để giúp họ?

- Lần này, chúng ta không có điểm lùi nữa. 90 triệu dân Việt Nam sẽ không ngồi im nhìn Trung Quốc lộng hành. 90 triệu dân phải có tiếng nói, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải lên tiếng, bày tỏ tiếng nói.

Các nhà khoa học, lịch sử, kinh tế, tôn giáo, tất cả người dân có lòng yêu nước phải đấu tranh với hành động xâm phạm của Trung Quốc. Ở đây cần phân biệt rằng, chúng ta chống những hành vi sai trái của Trung Quốc, chứ không chống Trung Quốc.

Chúng ta không bao giờ chống Trung Quốc, cũng như bất kỳ nước nào. Họ sinh sự thì ta có hành động đáp trả với cấp độ tương đương để bảo vệ chủ quyền.

Cả nước phải dồn cho ngư dân ra bám biển, bám ngư trường. 90 triệu dân hướng ra biển bảo vệ 1 triệu km2 biển. Ngư dân không chỉ làm ăn kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc giữ biển. Do vậy, ta phải dồn sức để động viên, khích lệ và bảo vệ họ.

- Nhiều người nói đến những vụ kiện pháp lý, giống như việc Philippines kiện Trung Quốc?

- Vụ kiện pháp lý như thế nào thì phải để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách quyết định. Philippines có cách làm của họ, quan hệ của Philippines với Trung Quốc khác ta. Nếu ta đã quyết làm, thì phải làm bằng được, không được đổ vỡ.

- Ông tiên đoán thế nào về hành vi tiếp theo của Trung Quốc. Liệu họ có rút giàn khoan về?

- Để Trung Quốc rút giàn khoan không phải là điều dễ dàng. Hiện tình hình rất căng thẳng, nhưng hai bên vẫn đang kiềm chế. Có thể sẽ xảy ra xung đột, nhưng tôi cho rằng Trung Quốc không dại gì mà gây chiến tranh, chỉ dùng thủ đoạn "xâm lược mềm", ta cần tránh rơi vào bẫy "bất chiến tự nhiên thành" - không đánh mà vẫn chiếm được - của Trung Quốc.

Nhưng chúng ta kiên quyết giữ trọn vẹn lãnh thổ, với tinh thần không đổ máu vô ích. Còn việc Trung Quốc cứ lì lợm, ngoan cố đóng tại Biển Đông, họ chắc chắn sẽ chịu sự cô lập trong cộng đồng thế giới, điều mà người dân Trung Quốc hoàn toàn không mong muốn.

http://laodong.com.vn/chinh-tri/day-la-buoc-lan-toi-cua-trung-quoc-mot-hanh-vi-xam-luoc-mem-199341.bld

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm