Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy học online giống như làm diễn viên

Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ, dạy học online là nghề đòi hỏi sự công phu và có nhiều áp lực. Một bài giảng ra đời như bộ phim mà ở đó, giáo viên vừa là đạo diễn, biên kịch, diễn viên.

Ngô Vương Minh – thủ khoa hai khối A (29,5 điểm), khối B (29,75 điểm) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua chia sẻ bí quyết giành điểm cao là tham gia các khóa học trên mạng. Không chỉ Vương Minh, nhiều thủ khoa năm nay cũng cho biết thích học trực tuyến. Học tại nhà, chi phí thấp, xem lại bài giảng dễ dàng… là những ưu thế của cách học thời công nghệ.

Thầy cô như bạn hiền

Cùng với sự phát triển của dạy và học online, nhiều thầy cô được học sinh yêu mến không kém người nổi tiếng. Đó là cô Mai Phương (giáo viên tiếng Anh) có hơn 94.000 lượt người theo dõi trên Facebook. Thầy Vũ Khắc Ngọc (dạy Hóa) được mệnh danh “cao thủ online" với gần 60.000 lượt theo dõi. Không chỉ thu hút bởi những bài giảng gần gũi, dễ hiểu, thầy cô dạy trực tuyến còn như người anh, người chị, người bạn gần gũi với học trò.

Thầy Vũ Khắc Ngọc bén duyên với nghề dạy học trên mạng từ năm 2006 khi còn là sinh viên, thông qua dự án khởi nghiệp về giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, phải tới năm 2010, giáo viên này mới thực sự dấn thân vào con đường "gõ đầu trẻ qua mạng".

Với thầy Ngọc, dạy học kiểu công nghệ đòi hỏi sự công phu và cũng nhiều áp lực. Mỗi video khi lên mạng có thể nhận hàng nghìn, thậm chí cả triệu lượt xem. Nhiều bình luận khen, những cũng không ít ý kiến chê của cộng đồng mạng, phụ huynh, học sinh, chuyên gia giáo dục... Áp lực từ mạng ảo ào ra đời sống thực không đơn giản chút nào.

d
Hình ảnh gần gũi của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. 

Thầy giáo này ví, mỗi video bài giảng có thể coi là một tập phim, trong đó giáo viên đảm nhiệm tất cả các công việc như: Đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính kiêm diễn viên phụ. Tập phim ấy phải thật hấp dẫn và chính xác về nội dung chuyên môn. Đằng sau một video hoàn thiện là sự giúp sức của người quay phim, biên tập, kỹ thuật, cộng tác viên.

Khi nhìn lại, điều khiến thầy Vũ Khắc Ngọc tự hào nhất là việc dạy và học online đã tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cập nhiều phương pháp mới với chi phí thấp.

“Tôi có thể đem những phương pháp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tốt nhất của mình đến với học sinh trên khắp mọi miền đất nước, kể cả những vùng xa xôi và khó khăn nhất, điều mà phương thức giáo dục truyền thống khó đáp ứng được”, thầy Ngọc chia sẻ. 

Nhập mô tảd cho ảnh
Rất đông học sinh học qua mạng đến gặp gỡ thầy Vũ Khắc Ngọc tại TP HCM. 

Vui buồn nghề dạy học online

Ngày mới vào nghề, thầy Ngọc gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi phải đấu tranh với chính bản thân. Từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nam giáo viên bị gia đình và bạn bè phản đối.

"Tại thời điểm đó, Internet vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam như bây giờ. Mạng ADSL chỉ có mặt ở một số thành phố lớn, 3G chưa có, khan hiếm máy vi tính, laptop, smartphone...", thầy giáo trẻ nhớ lại.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là người dạy trực tuyến phải thuyết phục được phụ huynh và học sinh tin tưởng vào hiệu quả của môi trường học Internet – vốn cũng nhiều cám dỗ và cạm bẫy với giới trẻ.

Khi bắt đầu công việc dạy online năm 2010, thu nhập thậm chí không bằng lương gia sư thời sinh viên. Thế nhưng, giáo viên này vẫn quyết theo đuổi con đường mình đã chọn để rồi hôm nay có hàng nghìn học sinh trên khắp mọi miền đất nước.

Một người khác cũng gắn bó với dạy và học trực tuyến những ngày đầu tại TP HCM là thầy Phạm Đình Phong, giáo viên Vật lý.

d
Thầy giáo Phạm Đình Phong có 6 năm gắn bó nghề dạy học trực tuyến.

Sau 6 năm "vật lộn" cùng Internet, gia tài của thầy Phong là hơn 1.000 video và 21.000 học viên trên Zuni và YouTube. Thầy giáo gắn bó công việc này từ năm 2009 kể lại, ngày đó chất lượng đường truyền kém, cấu hình máy yếu nên việc dạy online trăm nỗi cực.

Trong căn nhà nhỏ, thầy Phong phải đợi mọi người đi ngủ mới bắt đầu… giảng bài. Khi ấy, thầy cũng không dám bật quạt vì chưa có hệ thống lọc âm thanh. Mỗi lần xong một bài giảng, mồ hôi vã ra như tắm.

Không chỉ dạy học online, với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy Phong còn miễn phí hoàn toàn ăn ở, học tập. Căn nhà của thầy đón nhận nhiều trường hợp đặc biệt, như em Hưng Chín Ngón (vì em chỉ có 9 ngón chân), quê Thanh Hóa (hiện học Đại học Kinh tế Quốc dân).

Thầy Phong kể lại kỷ niệm xúc động: “5 năm trước, học sinh Tự ở Bắc Giang theo học các khóa trên mạng của tôi, đỗ Đại học Giao thông Vận tải. Khi nhận kết quả, em gọi điện rồi chơi Guitar trong một tiếng để cảm ơn thầy”.

Đơn giản vì yêu

Đọc những tâm sự của học trò gửi thầy cô giáo dạy online mới thấu hiểu được mạng ảo, tình cảm thật.

Trong thư gửi cô Mai Phương – giáo viên dạy tiếng Anh, học sinh Trịnh Thanh Tú viết: “Từ một người rỗng tiếng Anh, em học cô và đã lên top 2 của lớp. Em vốn ghét tiếng Anh kinh khủng, nhưng khi xem những bài giảng của cô trên YouTube, dần dần, em nhận ra đó là ngoại ngữ giúp mở rộng thế giới của mình. Khi nhận được lời mời kết bạn của cô trên Facebook, em phải kiềm chế để không hét to lên sung sướng”.

Còn nữ sinh Hạ Đan tâm sự, cô Phương là người đầu tiên khiến em tin vào chính mình, từ đó dám nuôi ước mơ thi ngành Kinh tế Đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

"Em học được ở cô kiến thức và hơn hết là phương pháp học, sự yêu đời, tiết chế cảm xúc những khi chán nản. Nhờ cô, em biết bằng mọi cách chinh phục khó khăn. Mọi thứ cô làm cho chúng em đều là hết mình, là tâm huyết, hay đơn giản vì… yêu”, nữ sinh cho biết.

Trong bức thư cảm ơn, học trò gửi thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: "Một chút khoảng lặng, 3 năm học cấp ba em bị gián đoạn hơn một năm vì lý do sức khỏe, có lẽ đó là thử thách mà em phải đối mặt. Kiến thức cũng vì thế rơi đi nhiều. Điều duy nhất còn giữ lại là cách tư duy, giải quyết một vấn đề và một quyết tâm dám xây dựng lại từ đầu. Tất cả những điều đó, em đều học từ thầy".

Cô giáo tiếng Anh nổi tiếng trên Facebook

Facebook của cô giáo trẻ Vũ Thị Mai Phương có gần 100.000 lượt theo dõi và gần 5.000 bạn bè. Nhiều học sinh gọi cô bằng cái tên trìu mến là "cô giáo Facebook".



Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm