Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đầu tư trọng điểm, Việt Nam mới có doanh nghiệp lọt top 500 thế giới’

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng Nhà nước không nên đầu tư dàn trải vào các doanh nghiệp Nhà nước, mà cần có trọng điểm vào công ty làm ăn có lãi.

Sáng nay (21/11), Chính phủ tổ chức Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Nhiều chuyên gia đã gửi tới hội nghị tham luận về việc phát triển DNNN trong thời gian tới.

Không giao nhiệm vụ ai cũng có thể hoàn thành

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng DNNN là một lực lượng kinh tế chưa thể thay thế được trong thời gian tới, nhưng ông chỉ ra 3 vấn đề lớn mà lực lượng này đang gặp phải.

Thứ nhất là việc tái cơ cấu, hoạt động theo nguyên tắc thị trường; thứ hai là nâng cao hiệu quả quản trị và thứ ba là vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn.

Về việc yêu cầu các DNNN kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết đã đạt được những thành công nhất định như không còn quy định ưu đãi riêng; không chỉ đạo vay vốn riêng, không còn cấp vốn tái cơ cấu, bù lỗ hay đã xử lý thua lỗ theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc thị trường vẫn còn 3 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất cơ quan quản lý vẫn chưa tính đúng tính đủ với DNNN. Chỉ khi cổ phần hóa mới đánh giá lại tài sản của doanh theo giá thị trường.

doi moi doanh nghiep nha nuoc anh 1
TS. Cung đề xuất phải đầu tư có trọng điểm các DNNN, không thể đầu tư tràn lan vào các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Ảnh: TT.

“Đáng lẽ việc đánh giá tất cả DNNN phải thực hiện không chỉ khi cổ phần hóa. Như thế để biết tài sản theo giá thị trường là bao nhiêu. Không đánh giá sẽ không thấy sức mạnh của DNNN. Giá trị thực cao hơn nhiều giá trị sổ sách”, ông nói.

Thứ hai, chủ sở hữu DNNN đang giao cho người quản lý và doanh nghiệp những chỉ tiêu rất thấp. Ông nhấn mạnh chủ sở hữu không thể chấp nhận tỷ suất lợi nhuận quá thấp, thậm chí là thấp hơn cả lãi vay cơ bản của ngân hàng.

Không thể chấp nhận mức tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng mà phải gấp hơn 2 lần, tương đương thị trường chứng khoán.

TS Nguyễn Đình Cung

Ông đề xuất chủ sở hữu các DNNN phải giao chỉ tiêu thật cao để những người thực sự nỗ lực tối đa thì mới có thể làm được. Không thể giao nhiệm vụ ai cũng có thể hoàn thành. Không thể chấp nhận mức tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng mà phải gấp hơn 2 lần, tương đương thị trường chứng khoán.

Ông cũng cho rằng cần thống kê đánh giá các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao thấp để qua đó Nhà nước xem xét lại việc đầu tư. Theo đó, với các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp thì hạn chế đầu tư. Nhưng những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao 20-30% sẽ tăng cường đầu tư để sau vài năm mới có những tập đoàn kinh tế lớn.

TS. Cung lấy ví dụ doanh nghiệp có doanh thu thấp nhất top 500 công ty lớn nhất toàn cầu đã có doanh thu 24 tỷ USD vào năm 2017. Trong khi 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là PVN, Viettel, EVN mới có doanh thu 11 tỷ USD.

“Ba ông lớn nhất của ta mới chỉ bằng 1/2 công ty thấp nhất thế giới. Chúng ta phải đầu tư có trọng điểm thì mới hi vọng có doanh nghiệp lọt top 500 thế giới”, ông nói.

Tháo bỏ các ràng buộc

Một vấn đề nữa được TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra là DNNN không được tự chủ trong thị trường kinh doanh. Họ phải chịu gò bó, ràng buộc, cũng không được tuyển dụng, trả lương theo nguyên tắc thị trường. Người nào được trả 1-1,5 tỷ đồng/năm, xã hội đã đánh giá đó là rất cao.

Phải coi cổ phần hóa là cơ cấu danh mục đầu tư Nhà nước; chuyển đổi từ tài sản kém, chưa tốt, thành tài sản tốt; từ tài sản tốt, thành tài sản tốt hơn. Đừng làm ngược lại.

TS Nguyễn Đình Cung

Ông đề nghị phải thay đổi nhận thức. Vấn đề là họ nhận được lương bao nhiêu và sẽ làm ra số tiền thế nào. Còn lương nhiều hay ít không thể đánh giá được.

Về quản trị công ty, ông đề xuất phải tháo bỏ những ràng buộc với DNNN, để cho họ được quyền tự chủ kinh doanh. Nhà nước chỉ cần xác định những ngành nghề kinh doanh, còn làm thế nào thì để HĐQT và giám đốc tự quyết định.

“Chúng ta hành chính hóa quá nhiều quyết định đầu tư, kinh doanh, hành chính hóa động lực cho DNNN. Về mặt quản trị nên ưu tiên thay đổi”, ông nói.

Về nâng cao chất lượng quản trị, TS. Cung chỉ ra thực trạng tại các DNNN rất thấp so với chuẩn chung của OECD. Để từng bước nâng cao chất lượng quản trị, Chính phủ đã yêu cầu công khai minh bạch thông tin. Việc này lại rất dễ làm, làm không mất nhiều tiền lại có thể nâng cao mức độ nâng cao chất lượng.

doi moi doanh nghiep nha nuoc anh 2
TS. Cung đề xuất cổ phần hóa DNNN không chạy theo số lượng, mà cần chạy theo chất lượng. Ảnh minh họa.

“Nhiều DNNN không làm hoặc làm rất chậm. Việc thực hiện ý thức, quy định và nguyên tắc này của DNNN có gì đó không có áp lực khiến họ hoạt động theo nguyên tắc thị trường”, ông nói.

Về cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, TS. Cung đề xuất nên thay đổi thiên về chất lượng, không chạy theo số lượng.

"Phải coi cổ phần hóa là cơ cấu danh mục đầu tư Nhà nước; chuyển đổi từ tài sản kém, chưa tốt, thành tài sản tốt; từ tài sản tốt, thành tài sản tốt hơn. Đừng làm ngược lại, đừng biến một tài sản tốt, thành tài sản không tốt. Như vậy mới củng cố được nền tảng, sức mạnh của DNNN nói riêng và khu vực Nhà nước nói chung”, ông nhấn mạnh.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm