Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đầu tư cổ phiếu ngành nào lãi cao năm 2021?

FiinGroup dự báo các doanh nghiệp bất động sản, chăn nuôi, thủy sản, điện, thép có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2021.

dau tu co phieu anh 1

Trong báo cáo mới nhất, FiinGroup lựa chọn bất động sản, chăn nuôi - thủy sản, điện, thép là 4 ngành công nghiệp có triển vọng tăng trưởng lớn trong năm 2021. Đây là những nhóm ngành dự kiến hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, yếu tố nền tảng cơ bản dần cải thiện, cầu tiêu dùng hồi phục và nguồn vốn giá rẻ đang dư thừa.

Bất động sản

Chuyên gia của FiinGroup cho rằng nhu cầu cao về căn hộ phân khúc trung cấp tại khu vực ven đô, các tỉnh, thành phố vệ tinh với hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện vào trung tâm sẽ tăng do hiện trạng thiếu hụt nguồn cung tại các quận nội thành ở Hà Nội và TP.HCM.

Trong nhóm doanh nghiệp niêm yết thuộc lĩnh vực bất động sản nhà ở, Vinhomes hiện chiếm tới 66,5% lợi nhuận toàn ngành. Năm 2021, công ty con của Vingroup được dự báo tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng do việc tiếp tục bàn giao sản phẩm tại 3 đại dự án Ocean Park, Smart City và Grand Park.

Các doanh nghiệp đứng sau về thị phần như: Khang Điền, Đất Xanh, Nam Long, Phát Đạt, DIG cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh thời gian qua. Đây là cơ sở để nhóm này nhận doanh thu cao trong năm 2021 nếu tiến độ bàn giao đúng kế hoạch. Lượng tiền khách hàng trả trước của 5 doanh nghiệp kể trên đều đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Do đó, doanh thu sẽ được ghi nhận vào 3-4 quý tới.

dau tu co phieu anh 2

Đồ họa: Fiin.

Đồng thời, Nghị quyết 164/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/11 về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị được FiinGroup kỳ vọng góp phần tháo gỡ nút thắt pháp lý về thủ tục chấp thuận đầu tư dự án từ năm 2021. Điều này giúp tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất.

Với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam được xem là động lực tăng trưởng chính đối với những doanh nghiệp vẫn còn quỹ đất cho thuê hoặc có kế hoạch mở rộng quỹ đất khả dụng với hạ tầng giao thông thuận tiện. Một số doanh nghiệp được đánh giá cao gồm Sonadezi Châu Đức, Kinh Bắc, IDV và VRG.

Chăn nuôi và thủy sản

Với nhóm ngành chăn nuôi và thủy sản, FiinGroup cho biết có 2 động lực tăng trưởng chính cho toàn ngành. Đầu tiên, nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói tiếp tục tăng. Thứ hai, ưu đãi thuế theo hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng lợi nhuận.

Các doanh nghiệp được kỳ vọng dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong năm tới là Dabaco và bộ đôi GTNFoods - Vilico. Dabaco được dự báo tiếp tục có năm 2021 thành công nhưng khó có thể giữ được tốc độ tăng trưởng kỷ lục như năm nay do giá thịt lợn đang có xu hướng giảm từ tháng 7. Đây là một trong những doanh nghiệp cung cấp thịt lợn lớn nhất tại Việt Nam.

Với GTNFoods và Vilico, việc hoàn thành sáp nhập vào Vinamilk đầu năm 2020 là động lực để các công ty này tái cơ cấu, cải thiện biên lợi nhuận. Vinamilk hiện là công ty mẹ của GTNFoods. GTNFoods nắm quyền chi phối Vilico và Vilico trực tiếp kiểm soát Mộc Châu Milk.

Trong khi đó, những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn như Minh Phú, Sao Ta, Camimex được FiinGroup dự báo hưởng lợi nhờ nhu cầu về thực phẩm tiện lợi tăng cao và ưu đãi thuế suất 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA. Nhưng nhóm này cũng đối diện rủi ro về giá và nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

dau tu co phieu anh 3

Xuất khẩu tôm vào EU đang tăng. Ảnh: Fiin.

Điện

FiinGroup dự báo thủy điện và nhiệt điện có triển vọng tăng trưởng khả quan trong năm tới nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh trong khi điện khí tiếp tục gặp khó do thiếu hụt nguồn cung khí LNG. Trong năm 2021, nhu cầu điện thương phẩm theo EVN dự kiến tăng 10%.

Với doanh nghiệp thủy điện, hiện tượng thời tiết La Nina quay trở lại sẽ giúp lượng nước về các hồ thủy điện duy trì ở mức cao từ nay cho đến giữa năm 2021. Đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đang vận hành nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Ngược lại, nguồn cung khí thiếu hụt khiến sản lượng điện khí cả nước giảm mạnh trong năm 2020. Xu hướng này được dự báo tiếp tục trong năm 2021.

Còn trong mảng nhiệt điện, sản lượng của các nhà máy dự kiến tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu điện tăng lên và bù đắp phần sản lượng thiếu hụt của điện khí.

dau tu co phieu anh 4

Đồ họa: Fiin.

Thép

Trong ngành thép, những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong năm tới theo FiinGroup là kinh tế dự kiến hồi phục với mục tiêu tăng trưởng GDP 6% cùng với nhu cầu thép thô tại Trung Quốc tiếp tục tăng.

Doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam là Hòa Phát được dự báo hưởng lợi từ công suất thép thô tăng lên 8 triệu tấn nếu vận hành hết 4 lò cao tại khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất trong năm tới. Đồng thời, nhu cầu tại thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát là Trung Quốc dự báo tiếp tục tăng trong năm 2021.

Rủi ro chính với doanh nghiệp này là nhu cầu thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm, giá than cốc giảm nhưng giá quặng lại tăng mạnh khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng làm giảm biên lợi nhuận, nhu cầu nhập khẩu thép của Trung Quốc có thể quay đầu nếu nước này cho phép nhập thép phế liệu trở lại từ tháng 6/2021.

Với các doanh nghiệp tôn, ống thép lớn như Hoa Sen và Nam Kim, xu hướng dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc là yếu tố hỗ trợ chính cho tăng trưởng của nhóm này trong năm tới. Việc Hoa Sen rút khỏi siêu dự án Cà Ná và Nam Kim chuyển nhượng đất cũng có thể giúp hai doanh nghiệp này tăng lợi nhuận.

VAFI: Chủ trương mới đẩy nhà đầu tư nhỏ vào các cổ phiếu rác

VAFI phản đối kế hoạch tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu mỗi lệnh, cho rằng điều này sẽ ngăn cản sự phát triển thị trường, đẩy nhà đầu tư mới vào cảnh "đánh bạc".

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm