Đầu tư 600 tỷ đồng cho thể thao VN năm 2013
“Năm 2013 là năm bản lề của thể thao VN và buộc lãnh đạo ngành phải có sự thay đổi một cách quyết liệt để có sự chuẩn bị dài hơi, hiệu quả cho tương lai”, ông Lâm Quang Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, quả quyết.
S.A.O, S.A.Q và công cuộc tìm “thủ lĩnh”
Hàng chữ viết tắt giống... mật mã này là điểm nhấn đặc biệt nhất trong toàn bộ kế hoạch đổi mới. Ngành thể thao đã tính toán lại các phân nhóm ưu tiên để đầu tư và mỗi nhóm sẽ có “danh xưng” đàng hoàng. Nhóm 1 được đặt tên là S.A.O (SEA Games, ASIAD, Olympic) với 4 môn vừa có khả năng đoạt HCV SEA Games 27, HCV ASIAD Incheon - Hàn Quốc năm 2014 và đoạt huy chương Olympic 2016: bắn súng, cử tạ, taekwondo, thể dục dụng cụ (dù môn này bị Myanmar gạt khỏi SEA Games).
Bắn súng vẫn là thế mạnh của VN ở đấu trường thể thao thế giới. |
Nhóm 2 - S.A.Q (viết tắt của vòng loại Olympic) với 8 môn thuộc hệ thống Olympic: điền kinh, bơi, vật, judo, boxing, rowing... Nhóm 3 - S.A (có HCV SEA Games, ASIAD nhưng lại không có tên tại Olympic): karatedo, cầu mây, wushu. Riêng nhóm này còn được đầu tư thêm các môn của SEA Games 27 như muay, kempo, vovinam, bi sắt, cờ, billiard... Ngoài ra, còn có nhóm tiềm năng: xe đạp lòng chảo, kiếm, cung, thuyền buồm...; nhóm VN có dấu hiệu tụt hậu: bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông.
Ông Thành khẳng định tiếp: “Triết lý phát triển của thể thao VN trong giai đoạn cấp bách này không chỉ nằm ở việc phân định rõ nhóm môn mà quan trọng hơn cả là làm thế nào và ai sẽ làm. Thể thao VN chưa phát triển cũng do nguồn nhân lực kém và hụt hẫng về nhân sự giỏi. Nhưng chúng tôi đang gấp rút tìm kiếm những người tài, có đầu óc chiến lược để giao nhiệm vụ. Tức là phải có “thủ lĩnh” cho mỗi phân nhóm. Người này phải lập kế hoạch riêng và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước công việc nặng nề được giao phó. Danh tính những vị thủ lĩnh này sẽ được công bố chỉ nay mai”.
Có thêm “môn” tâm lý giáo dục
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây nhất, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã nhấn mạnh, thể thao VN sẽ có sự đột phá trong năm 2013. Đột phá ở đây, qua tiết lộ kỹ hơn của ông Lâm Quang Thành, là lần đầu tiên các đội tuyển quốc gia sẽ được áp dụng 8 nhóm giải pháp khoa học, gồm chuyên môn, quản lý, y học, sinh học, dinh dưỡng, hồi phục, tâm lý giáo dục, công nghệ thông tin. Đây là đề tài cấp Bộ do chính ông Thành làm chủ nhiệm đề tài và đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt năm 2012. Một điểm nhấn đáng lưu ý nữa là ngành sẽ thực tiễn hóa 3 đề án chính sách dành cho VĐV, trong đó có chính sách đặc thù, dinh dưỡng và khen thưởng. Tổng cục TDTT sẽ rà soát lại một cách toàn diện, cẩn trọng công tác đào tạo trẻ của 63 tỉnh, thành và 2 ngành (công an, quân đội), để từ đó “cô đọng” lại thành một chiến lược đào tạo trẻ chung để chuẩn bị cho ASIAD 2019 do VN đăng cai.
Được biết, Bộ VH-TT-DL đã quyết định chi gần 600 tỷ đồng cho thể thao VN năm 2013, trong đó hơn 146 tỷ để chuẩn bị cho SEA Games 27 vào cuối năm. Muốn phát triển bền vững và lâu dài thì “ngành sẽ phải huy động rất nhiều nguồn lực từ các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt từ sự năng động của các liên đoàn, hiệp hội. Ở nhóm môn tụt hậu như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền..., chúng tôi sẽ giao cho VFF, VTF, VVF. Không thể đầu tư dàn trải như trước được nữa”, ông Thành cho biết.
VN mất 22 HCV SEA Games
Theo ông Lâm Quang Thành, do Myanmar loại bỏ nhiều môn thế mạnh của VN nên VN sẽ mất khoảng 22 HCV của thể dục dụng cụ, một số nội dung của các môn bắn súng, bơi, taekwondo, karatedo, judo, pencak silat, vovinam và kempo... Tuy nhiên, VN sẽ phấn đấu đảm bảo đứng thứ 3 khu vực, nhưng “khó đứng top 2 vì 2 vị trí đầu không thể cạnh tranh nổi với chủ nhà và Thái Lan”.
Theo Thanh Niên