Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến có buổi làm việc với các cơ quan, ban ngành để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vấn đề này.
Ông Tuyến cho rằng xây dựng NVSCC đạt chuẩn là việc cần làm gấp, TP có thể đổi đất để xây thêm nhiều nhà vệ sinh đạt chuẩn hay lập bản đồ số hóa các nhà hàng, khách sạn tạo điều kiện cho khách du lịch đi vệ sinh.
Thiếu trầm trọng
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, hiện nay, mạng lưới NVSCC trên địa bàn chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí không phù hợp.
Cụ thể, TP có 208 NVSCC thu phí, trong đó 155 cái tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Chỉ có 11 NVSCC do Sở GTVT phối hợp với một ngân hàng xây dựng chủ yếu ở các công viên ở quận 1 là đạt yêu cầu.
Nhà vệ sinh công cộng được Sacombank đầu tư xây dựng tại công viên Lê Văn Tám. Ảnh: Phước Tuần. |
Bà Mỹ thông tin thêm, Sở được phân công chủ trì xây dựng đề án xây dựng NVSCC và hiện lấy ý kiến các sở, ngành đóng góp. Nếu đề án hoàn thành sẽ xã hội hóa xây dựng NVSCC để phục vụ người dân, khách du lịch.
Còn ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch, cho biết những địa điểm nhiều khách du lịch như Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà cũng chưa bố trí NVSCC. Nhiều điểm tham quan du lịch, NVSCC đã xuống cấp mà các đơn vị chủ quản chưa cải tạo, nâng chất lượng để phục vụ du khách.
“Với đô thị phát triển như TP thì NVSCC rất quan trọng. Đặc biệt là muốn phát triển du lịch thì phải xử lý được vấn đề thiếu nhà vệ sinh đang rất nhức nhối”, ông Khánh nói. Ông cho biết thêm Sở Du lịch đang vận động khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… cho phép người dân, khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh.
Để phát triển nhanh chất lượng NVSCC, ông Khánh đề xuất, TP chỉ đạo Sở GTVT TP rà soát công viên, khu vui chơi… rồi giao các doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư nhà vệ sinh cao cấp. Đổi lại, doanh nghiệp được quyền quảng bá thương hiệu của mình tại đây. Nếu doanh nghiệp là ngân hàng thì chính quyền có thể cho phép họ đặt trụ ATM như nhiều nhà vệ sinh “5 sao” đang hoạt động ở các công viên.
Anh Nguyễn Văn Huy (HDV tự do tại TP HCM) kể khách đến tham quan Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Công viên 30/4 không biết đi vệ sinh ở đâu, phải dẫn vào trung tâm mua sắm Diamond. "Thiết nghĩ TP nên vận động cho các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng có thể cho khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh. Đây là một cách làm hay mà TP có thể áp dụng", anh Huy nói.
Đổi đất xây nhà vệ sinh
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, nhà vệ sinh mà dơ bẩn là không thể chấp nhận được. Một số nơi, NVSCC quản lý không tốt, trở thành nơi tụ tập của tệ nạn xã hội.
Trước tình trạng thiếu và xuống cấp hệ thống NVSCC, ông Tuyến yêu cầu phải đẩy nhanh xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. UBND TP HCM cho phép nhà đầu tư khai thác quảng cáo và các dịch vụ như đặt máy rút tiền, bán hàng… NVSCC phải đảm bảo vệ sinh môi trường, có thẩm mỹ, lạ mắt, gần gũi chứ không đơn điệu hai màu xanh trắng như hiện nay.
“Từ trước đến giờ mình chỉ quan tâm đến chuyện làm đường, xây cầu. NVSCC cũng là hạ tầng kỹ thuật. Nhà nước đã có chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Sở TN-MT cần nghiên cứu, vận dụng như kêu gọi DN đầu tư 1.000 NVSCC, đổi lại TP sẽ giao cho nhà đầu tư một số khu đất đã khấu trừ tiền sử dụng đất. TP cũng sẽ làm bản đồ số đưa nhà vệ sinh ở các khách sạn, nhà hàng vào hỗ trợ du khách”, ông Tuyến nói.
Xử phạt hơn 1.500 trường hợp tiểu bậy
Theo ông Phan Trọng Hùng, Phó phòng Quản lý đô thị kiêm Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của quận đã lập biên bản xử phạt hơn 1.500 trường hợp tiểu nơi công cộng; nhắc nhở, cảnh cáo hàng trăm người vi phạm. Nếu vi phạm lần đầu, sẽ bị phạt 200.000 đồng; tái phạm sẽ nâng lên 300.000 đồng. Người vi phạm phải đến kho bạc nộp phạt trong vòng 10 ngày.
Ông Hùng thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu tiện nơi công cộng là do hệ thống NVSCC thiếu, nhiều nơi đã xuống cấp nhưng vẫn thu phí… Vì vậy, cùng với việc nhắc nhở, xử phạt các hành vi không văn minh đang diễn ra nơi công cộng, TP HCM cần nhanh chóng nâng cấp, cải tạo lại các nhà vệ sinh cũ; lắp đặt, xây thêm các nhà vệ sinh công cộng miễn phí.