Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dầu thô của Nga không dễ thay thế

Mỹ và các nước phương Tây đang tìm mọi giải pháp để giữ cán cân cung cầu năng lượng thế giới ổn định, đặc biệt trong bối cảnh nỗ lực tung đòn cấm vận dầu của Nga.

Cam van dau tho cua Nga anh 1

Theo New York Times, trước khi Nga tiến hành các chiến dịch quân sự tại Ukraine, lượng dầu xuất khẩu của quốc gia này chiếm 1/10 toàn cầu. Do đó, nếu Mỹ và các đối tác xa lánh dầu thô của Nga, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ phải đối mặt với cơn biến động lớn nhất kể từ cuộc hỗn loạn vào năm 1970 ở Trung Đông.

Giá dầu bắt đầu tăng nhanh kể từ thời điểm nền kinh tế thế giới vướng phải đại dịch Covid-19. Tình trạng đóng cửa hàng loạt cùng số ca lây nhiễm lớn buộc các nhà sản xuất hoạt động hết công suất. Nguồn vốn đầu tư của các công ty quốc tế cũng bị cắt giảm đáng kể trong 2 năm qua.

Cú sốc giá năng lượng có thể kéo dài chừng nào cuộc đối đầu còn tiếp diễn. Thị trường thế giới hiện tại có rất ít lựa chọn thay thế để lấp đầy khoảng trống hơn 5 triệu thùng dầu/ngày của Nga.

Ít sự lựa chọn

Trước khả năng Nga - một trong 3 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới - bị loại khỏi thị trường thế giới, giới đầu tư tin rằng giá dầu sẽ tăng lên mức chưa từng thấy. Các nhà phân tích năng lượng cũng có chung nhận định tương tự, đặc biệt sau khi Mỹ tuyên bố cấm vận dầu thô Nga.

“Chúng ta đang nỗ lực thắt chặt tình hình. Những gì chúng ta cần lúc này là các nước sản xuất nhiều dầu hơn”, Robert McNally, cựu cố vấn năng lượng của Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Hiện nay, chỉ có Saudi Arabia, UAE và Kuwait có công suất dự phòng tổng cộng 2,5 triệu thùng/ngày. Venezuela và Iran cũng có thể đóng góp khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong trường hợp Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Cam van dau tho cua Nga anh 2

Saudi Arabia là một trong ba nhà sản xuất dầu mỏ có năng lực sản xuất dự phòng. Ảnh: Reuters.

Mỹ có thể tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày. Tuy vậy, quá trình này sẽ phải mất một năm để thực hiện và yêu cầu các công ty khai thác tăng thêm nhân lực và thiết bị.

Trong quá khứ, có rất ít thời điểm nguồn cung dầu toàn cầu đứng trước bờ vực nghiêm trọng như hiện nay. Năm 1978, cuộc cách mạng tại Iran khiến thế giới thâm hụt 5,6 triệu thùng/ngày. Lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của các thành viên Arab thuộc OPEC vào năm 1973-1974 và cuộc chiến tranh Vịnh Ba Tư giai đoạn 1990-1991 cũng loại bỏ khỏi thị trường 4,3 triệu thùng/ngày.

Tia hy vọng khả dĩ nhất thời điểm này là Venezuela. Trong tuần này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết sẽ nói chuyện với phe đối lập trong nước và trả tự do cho ít nhất 2 tù binh người Mỹ.

Đây là những động thái tích cực trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến thăm Venezuela nhằm thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận ban hành năm 2019. Trước đó, Mỹ từng tố Venezuela gian lận bầu cử, vi phạm nhân quyền và có mối quan hệ thân thiết với Iran, Nga và Trung Quốc.

Nhiều nút thắt

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, một trong những ngành mạnh nhất thế giới cách đây 30 năm, là một mớ hỗn độn. Hệ thống máy lọc dầu và đường ống xuống cấp khiến chúng thậm chí không thể cấp nhiên liệu cho người dân trong nước. Để hồi phục sản xuất, các công ty dầu mỏ cần đầu tư hàng tỷ USD.

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và mở cửa dòng chảy xuất khẩu dầu của Iran cũng mới xuất hiện vài ngày trước. Nếu được khai thông, Iran sẽ có vài trăm nghìn thùng dầu dự trữ có thể vận chuyển ngay lập tức. Bên cạnh đó, thị trường thế giới có thể nhận thêm 1 triệu thùng/ngày.

Dẫu vậy, sản lượng dầu trong tương lai vẫn phụ thuộc phần nhiều vào những đồng minh truyền thống của Mỹ như Saudi Arabia, UAE, Kuwait và thành viên nhóm OPEC.

Cam van dau tho cua Nga anh 3

Ngành khai thác dầu khí của Venezuela đã bị đình trệ trong nhiều năm. Ảnh: Getty.

Thế nhưng, những quốc gia này cũng nằm trong OPEC +, nhóm bao gồm cả Nga và nơi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak làm đồng chủ tịch. Nhóm này mới đây đã nhất trí mở rộng quy mô sản xuất thêm 400.000 thùng/ngày, dự kiến bắt đầu vào tháng 4.

Saudi Arabia là nhà sản xuất hàng đầu trong OPEC và OPEC +. Thời gian gần đây, mối quan hệ của quốc gia này với Mỹ đã bắt đầu nảy sinh một số căng thẳng. Do đó, bất cứ động thái đoạn tuyệt với Nga đều cần đến quyết định của Thái tử Mohammed bin Salman, vốn là người không được Washington ủng hộ.

“Chúng tôi liên tục trao đổi với các quốc gia đó và tiếp tục hối thúc họ giúp giải quyết tình hình. Họ là những đồng minh lâu dài”, Jose W. Fernandez, Bộ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Mỹ, cho biết.

Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, đã gặp các nhà sản xuất dầu của Mỹ tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston hôm 7/3. Song, ông cho biết thỏa thuận tăng sản lượng mới khó có thể giảm áp lực cho thị trường.

Trông chờ nhiều yếu tố

Mùa thu năm ngoái, Mỹ nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế mỗi ngày từ Nga. Con số này chiếm 3% lượng tiêu thụ của Mỹ.

Dù không lớn, việc gián đoạn nguồn cung vẫn ảnh hưởng đến giá dầu và từ đó ảnh hưởng đến giá xăng và dầu diesel toàn cầu. Việc Mỹ tìm nguồn cung mới để bù đắp khoảng trống Nga để lại cũng có thể khiến thị trường gánh thêm áp lực.

Hôm 8/3, Anh cho biết sẽ loại bỏ hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm. Các ngân hàng quốc tế, hãng vận chuyển và công ty bảo hiểm trên thế giới cũng tuyên bố giảm tiếp xúc với hàng hóa từ Nga do lo ngại rủi ro.

Tuần trước, Anh thông báo cấm các tàu thuộc sở hữu và mang cờ Nga cập cảng. Theo công ty phân tích dữ liệu hàng hóa Kpler, việc Liên minh châu Âu (EU) có động thái tương tự sẽ ảnh hưởng đến 130 tàu chở dầu.

Cam van dau tho cua Nga anh 4

Mỹ đang đẩy mạnh sản lượng dầu trong nước. Ảnh: New York Times.

Trong năm 2023, sản lượng dầu thế giới sẽ được tăng thêm từ các mỏ mới phát triển ở Canada, Brazil và Guyana. Tuy nhiên, điều này khó mang lại bất kỳ sự hỗ trợ nào lúc này.

Trung Quốc được xem là yếu tố đáng quan tâm trên thị trường hiện tại. Goldman Sachs ước tính với lượng dự trữ cạn kiệt và sản lượng dầu nội địa giảm, Trung Quốc có thể nhập khoảng 4 triệu thùng dầu được chiết khẩu cao từ Nga mỗi ngày.

Trung Quốc nhiều khả năng hạn chế nhập khẩu dầu từ Trung Đông, từ đó giảm áp lực lên nguồn cung toàn cầu. Quá trình thay đổi dòng chảy dự kiến sẽ mất vài tuần, thậm chí vài tháng.

Mỹ đang gặp nhiều khó khăn đối với hoạt động khai thác dầu đá phiến. Dù đã tăng gấp đôi sản lượng trong thập kỷ qua, các công ty khai thác đã giảm đầu tư khi đại dịch, biến đổi khí hậu và quá trình chi trả cổ tức khiến nhu cầu giảm sút.

Hàng nghìn công nhân khai thác đã bị sa thải hoặc bỏ việc trong 3 năm qua. Ngoài ra, Mỹ đang thiếu nguồn cung cát để khai thác dầu trong mỏ đá.

Sản lượng dầu của Mỹ ước tính dưới 12 triệu thùng/ngày, chiếm 60% nhu cầu trong nước. Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng sẽ tăng lên trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm nay và 13 triệu thùng/ngày trong năm 2023, cao hơn 700.0000 thùng so với kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019.

Đây chỉ là con số nhỏ khi tổng sản lượng thị trường là 100 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, giá dầu tăng cao đang kích thích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Hệ thống doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiện chịu trách nhiệm cho khoảng 1/10 sản lượng của Mỹ, cũng có kế hoạch đẩy mạnh khai thác.

EU tìm lối thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Liên minh châu Âu dự tính tìm nguồn cung mới và đẩy mạnh hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.

Gia nickel lap ky luc hinh anh

Giá nickel lập kỷ lục

0

Giá nickel kỳ hạn 3 tháng trong phiên giao dịch hôm 8/3 bất ngờ tăng gấp đôi, buộc sàn giao dịch tại London phải ngừng giao dịch.

Gia dau the gioi lao doc hinh anh

Giá dầu thế giới lao dốc

0

Giá dầu thô thế giới rạng sáng ngày 10/3 đột ngột giảm sâu và quay về thời điểm cách đây một tuần trước thông tin sản lượng sản xuất dầu có thể tăng trong thời gian sắp tới.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm