Cổ động viên MU hỉ hả kể với nhau về thắng lợi 3-2 trước Crystal Palace. Sau một thời gian dài bị Jose Mourinho ru ngủ, màn lội ngược dòng nước trong thế trận thua trước 2 bàn như cơn mưa đổ xuống sa mạc. Những người lạc quan thì nói về bản lĩnh của "Quỷ đỏ", về sự kiên cường chiến đấu trước đối thủ đang chơi bóng bằng bản năng sinh tồn.
Tiền vệ Matic là cầu thủ ghi bàn ấn định tỷ số 3-2, qua đó giúp MU có chiến thắng kịch tính trước Crystal Palace. Ảnh: Getty Images. |
Xét về yếu tố giải trí đơn thuần, chiến thắng 3-2 trước Crystal Palace đạt điểm 10 về cảm xúc. Đã từ rất lâu rồi chúng ta mới thấy HLV Jose Mourinho bật dậy từ băng ghế chỉ đạo, làm động tác ăn mừng thay vì trình làng điệu bộ “mặt bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Song với những CĐV khó tính, kịch tính mà MU vừa tạo ra có gì đó sai sai. Trước đối thủ yếu cỡ Crystal Palace mà "Quỷ đỏ" để đến mức phải làm kẻ rượt đuổi cho đến phút cuối cùng hay sao?
Vài thống kê sau sẽ cho người hâm mộ thấy rõ hơn vấn đề. Tại Premier League mùa này, MU đã để đối phương dẫn trước tới 11 lần. 37,9% số trận đấu mùa này "Quỷ đỏ" đóng vai kẻ rượt đuổi. Và điều đáng buồn là trong 11 lần bị đối phương ghi bàn trước, MU thua tới 5 trận, hòa 3 và chỉ 3 lần ngược dòng thành công.
Trong 6 đại gia Premier League mùa này (Man City, MU, Chelsea, Arsenal, Tottenham và Liverpool), buồn thay MU chính là đội bóng nhiều lần bị đẩy vào thế phải rượt đuổi nhất. Và với tỷ lệ ngược dòng thành công chỉ là 27,2%, "Quỷ đỏ" cũng chỉ hơn duy nhất Arsenal (18,1%) về bản lĩnh ngược dòng.
Thứ nhất, đây không phải đội bóng của Jose Mourinho. Premier League 2014/15, Chelsea của Mourinho chỉ bị đối phương dẫn trước vỏn vẹn 8 trận cả mùa. Và trong 8 trận phải rượt đuổi, Mourinho có tới 5 lần ngược dòng thành công. Rất hiếm khi CLB do Mourinho dẫn dắt dễ bị ghi bàn như MU lúc này.
Thứ hai, đây không phải MU trong tâm trí người hâm mộ. Trở lại một chút với quá khứ. Mùa 2011/12, "Quỷ đỏ" chỉ bị đối phương dẫn trước vỏn vẹn 20% số trận cả mùa. Mùa trước đó (2010/11), số trận bị dẫn trước của MU cũng chỉ là 7 trận.
Về cơ bản, cái uy mà MU tạo ra trong quá khứ khiến họ rất ít khi ở thế bị dẫn trước. Bởi đa phần những đội bóng nhỏ gặp "Quỷ đỏ" đều bị đẩy vào thế cửa dưới, phải tập trung phòng ngự chứ hiếm khi dám dâng cao tấn công và có bàn thắng trước.
Còn nhớ vào cuối năm 2009, ban tổ chức Premier League từng phạt CLB Wolves 25.000 bảng vì HLV Mick McCarthy dùng đến 10 cầu thủ dự bị trong trận đấu với MU. Thời điểm đó Wolves nghĩ rằng dù có sử dụng đội hình chính thức thì cũng không thắng nổi "Quỷ đỏ", nên chủ động cất tới 10 cầu thủ chính thức, chấp nhận thua MU để thắng Burnley sau đó.
Sau 38 trận khoác áo MU, tiền vệ Matic mới ghi bàn. |
Sự khác biệt giữa MU của quá khứ và "Quỷ đỏ" lúc này không nằm ở ghế HLV, không phải những cầu thủ, tên nhà tài trợ, mẫu mã quần áo hay bất kỳ điều gì thấy được bằng mắt thường. Sự khác biệt nằm ở cái uy.
MU đã đánh mất cái uy trong mắt những đối thủ nhỏ. Nói về uy thì cứ nhìn vào Man City là đủ hiểu. Trong trận đấu với Chelsea mới đây, cái uy của Man xanh lớn tới mức khiến một đội bóng như Chelsea co cụm ở phần sân nhà, chấp nhận sự miệt thị của truyền thông để “không đến mức thua 0-3, 0-4”.
Premier League 2015/16, Gary Cahill từng ngạo nghễ nói: “Nhiều đội bóng đến làm khách của Chelsea đã tự đầu hàng từ trước giờ bóng lăn”. Đó là cái uy của những ông lớn, và đó mới là chất liệu xây nên một tượng đài thật sự, chứ không phải dăm ba chiến thắng hay thậm chí là chức vô địch.
Man United, cái uy đâu mất rồi?