Đầu rắn lìa khỏi thân nhưng vẫn cắn chết đầu bếp Peng khi ông đang chế biến món đặc sản. Ảnh: Mirror |
Peng Fan, đầu bếp, sống tại quận Thuận Đức, thành phố Phật Sơn, phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đang chuẩn bị món đặc sản chế biến từ thịt rắn hổ mang Đông Dương (rắn hổ mang Xiêm). Khoảng 20 phút sau khi cắt phần đầu rắn, Peng thu và vứt nó vào thùng rác. Tuy nhiên, phần đầu rắn vẫn còn sống, nó cắn và truyền lượng nọc độc nguy hiểm vào người đầu bếp.
Cảnh sát cho biết Peng chết trước khi bác sĩ tiêm liều thuốc giải độc để cứu mạng ông. "Vụ việc xảy đến với Peng là một trường hợp hiếm gặp nhưng nó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Ông ấy tự chuẩn bị món ăn và sơ suất để rắn cắn", phát ngôn viên của cảnh sát nói.
Yang Hong-Chang, chuyên gia dành 40 năm nghiên cứu về rắn hổ mang, cho biết loài bò sát vẫn có thể hoạt động khoảng 1 giờ sau khi chúng mất một số bộ phận trên cơ thể hay toàn bộ phần thân. "Đầu rắn vẫn hoạt động và có thể cắn vào tay của Peng. Khi một con rắn mất đầu, nó gần như đã chết bởi các chức năng cơ bản không tồn tại. Tuy nhiên, nó vẫn có một số hành động phản xạ. Điều này đồng nghĩa với việc rắn vẫn có thể cắn và nhả độc ngay cả khi phần đầu và phần thân của chúng tách rời", ông Yang giải thích.
Rắn hổ mang Đông Dương (hay còn gọi là rắn hổ mang Xiêm) xuất hiện nhiều ở khu vực Đông Nam Á gồm 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Một cá thể rắn hổ mang trưởng thành dài từ 1 tới 1,2 mét. Con dài nhất có thể lên tới 1,5 mét. Nọc rắn hổ mang cực độc. Nó khiến nạn nhân tê liệt và ngạt thở dẫn đến tử vong. Nếu nọc rắn rơi vào mắt, nạn nhân có thể bị mù vĩnh viễn.