Định kiến giữa gia đình kiểu cũ và mới vốn là chuyện muôn thuở. Thế nhưng chỉ trong vài thập niên, quy luật thời đại đang góp phần thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống Việt. Đời sống là bản giao hưởng nhiều bè, có vui - buồn, tốt - xấu, cũng giống gia đình có nhiều hình thái - hai ba, hai mẹ, ba/mẹ chuyển giới, gia đình đơn thân, cặp đôi khiếm khuyết hoặc không con cái… Khi xã hội dần tiệm cận với quan điểm không có những khuôn mẫu về vai trò giới, khái niệm “gia đình kiểu mẫu” cũng cần thay đổi.
Những gia đình “khuyết mảnh”
Từ lúc có nhận thức, Hạnh (13 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) đã sống cùng mẹ trong căn nhà 2 lầu với diện tích 48 m2. Mẹ chẳng bao giờ hé môi nói lời thân mật, cũng không dạy Hạnh cách buộc tóc, ăn mặc, chọn đồ lót. Bà ăn to nói lớn, với mái tóc tém nam tính, thậm chí còn xăm mình. Nhưng trong Hạnh, mẫu tính của mẹ vẫn thể hiện rõ qua những hành động thân thương như giục giã giờ ăn hay tất tả đưa con đến lớp.
Ngày Hạnh 12 tuổi, mẹ dắt về nhà “mẹ hai” với câu giới thiệu cụt lủn: “Từ nay, Hạnh gọi dì Thương là mẹ, gọi mẹ là bố”. Từ ngày có mẹ Thương, cuộc đời Hạnh nhiều cảm xúc hơn. Hạnh vui vẻ khi rời cổng trường luôn có người ngóng đợi, biết chăm sóc bản thân ra sao khi “đến tháng”, bữa cơm cũng vì thêm người mà đủ đầy. Hơn cả, trong căn nhà vốn vắng tiếng cười, với người “bố” luôn lầm lũi, giờ sao mà rộn rã. Với Hạnh, mẹ Thương có lẽ là “mảnh ghép” mà cô và bố đã kiếm tìm từ rất lâu.
Khác với Hạnh, giấy tờ hợp pháp ghi lại năm tháng cô độc của mẹ Nhật Minh (Bình Chánh, TP.HCM) chạm ngưỡng 20, nhưng chưa bao giờ cậu nhìn thấy nỗi muộn phiền xuất hiện trên mặt bà khi nhắc đến điều đó. Ngần ấy năm, chàng trai mang họ mẹ chưa từng nhìn thấy mặt bố.
“Bà hạnh phúc với cuộc sống độc thân, trong vai trò mẹ đơn thân. Dù phải gồng gánh để làm cả bố lẫn mẹ, đổi lại suốt 20 năm, mẹ không cần lo nghĩ về ai ngoài tôi. Bạn bè tôi thường bảo, mẹ trẻ trung và sành điệu lắm”, Nhật Minh trầm tư.
Ngày kể với mẹ về tình yêu đầu đời cũng là lần đầu tiên cậu nhận ra, đằng sau những lý do khiến mẹ hạnh phúc với cuộc sống độc thân, bà còn có cả những nỗi bất an. Mẹ canh cánh nỗi sợ con bị nhà vợ tương lai dè chừng bởi quan điểm “không có bố”, dù 20 năm qua Minh chẳng bao giờ cho đó là điều đáng bận tâm.
Khi định kiến “khóa kín” hạnh phúc của gia đình
Nỗi trăn trở của mẹ Nhật Minh, hạnh phúc muộn màng của bố và mẹ Hạnh chỉ là hai trong nhiều câu chuyện bi kịch đến từ định kiến về khuôn mẫu “gia đình hoàn hảo”.
Với xã hội trọng lễ tiết và hôn nhân truyền thống như Việt Nam, việc kết hôn và sinh con chính là bản lề định hướng cuộc đời mỗi người. Hơn thế, người ta mặc định chuyện lứa đôi phải có trai có gái, gia đình chuẩn mực phải kết hôn, cha mẹ (khác giới tính) phải có con “đủ nếp đủ tẻ”. Điều này vô hình trung tạo nên sự phân cấp tình yêu và các mối quan hệ, hạ thấp các hình thái của gia đình.
Thực tế, mỗi người bị ảnh hưởng bởi môi trường sinh ra và lớn lên, cũng như những khuôn mẫu tồn tại từ lâu trong xã hội. Điều này tạo nên “thành kiến tiềm ẩn” - cụm từ lần đầu tiên được nhắc đến bởi 2 nhà tâm lý học xã hội Mahzarin Banaji và Tony Greenwald vào năm 1995.
Thành kiến tiềm ẩn là sự liên tưởng, niềm tin, thái độ vô thức với một thành phần hoặc một cộng đồng trong xã hội. Những thành kiến này ăn sâu khiến nhiều người khó lòng “khoan dung” trước điều mới. Khi một cá nhân không tuân theo những điều được xem là bình thường, họ mặc định đối mặt sự phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị từ số đông.
Dù những năm gần đây xã hội có nhiều bước tiến trong việc ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, cởi mở với những ông bố/bà mẹ đơn thân hay khiếm khuyết cơ thể, đâu đó vẫn tồn tại những rào cản nhất định.
Nỗi sợ “con sinh ra trong một gia đình khác với chuẩn mực bình thường” luôn bủa vây tâm trí các bậc làm cha mẹ.
Tại Việt Nam, đa phần người thuộc cộng đồng LGBTQ+ như nhà Hạnh, đơn thân như Nhật Minh, hay các gia đình có bố/mẹ không may khiếm khuyết một phần cơ thể… khi nhắc tới dự định có con, họ đều lo lắng về tương lai đứa trẻ. Nỗi sợ “con sinh ra trong một gia đình khác với chuẩn mực bình thường” luôn bủa vây tâm trí các bậc làm cha mẹ. Điều này đến từ sự ám ảnh về chuẩn mực xã hội, xoay quanh những nhận định như đứa trẻ sinh ra trong gia đình đồng tính, đơn thân là lệch lạc, bất bình thường, thiếu an toàn…
Những khó khăn đến từ định kiến của gia đình và họ hàng, câu chuyện về quyền nuôi con hay giấy tờ, pháp lý cũng ảnh hưởng ít nhiều tới quyết định có con của họ. Như chia sẻ của Đình Quốc (quận Bình Thạnh, TP.HCM), anh lo sợ liệu đứa con mình sắp nhận nuôi có lớn lên bình thường, chỉ với hai ông bố?
Với những gia đình này, câu hỏi “làm sao để có con" chỉ là khởi đầu cho hành trình rất dài. Ở đích đến, họ đối mặt với bài toán khó hơn: Tương lai nào cho những đứa trẻ trong gia đình chẳng theo khuôn mẫu? Những em bé lớn lên trong định kiến gia đình chẳng vẹn toàn như chuẩn mực, liệu có an toàn?
Gốc rễ gia đình là yêu thương, chẳng phải định kiến
Những định kiến sai lệch về xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng như sự phân biệt đối xử với người yếu thế vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Nhưng ít ai biết, trong những gia đình không theo chuẩn mực truyền thống xưa, định kiến từ xã hội mới là yếu tố ảnh hưởng và cản trở quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Không có mối quan hệ nào là “lý tưởng”, “hoàn chỉnh" hay “tốt đẹp" hơn mối quan hệ nào.
Dự án Family Story
Thử thách lớn nhất cho những cặp cha mẹ đồng tính, khuyết tật, đơn thân không phải là việc nuôi con mà là sống trong xã hội họ ít được đón nhận, thậm chí bị kỳ thị.
Báo cáo “Chống lại chủ nghĩa cơ bản trong hôn nhân: Đề cao sự công bằng của gia đình” công bố năm 2019 của dự án Family Story khẳng định thông điệp: Không có mối quan hệ nào là “lý tưởng”, “hoàn chỉnh" hay “tốt đẹp" hơn mối quan hệ nào.
Điều này đồng nghĩa không có khuôn mẫu cho một gia đình lý tưởng. Dù là truyền thống hay không, gia đình vẫn là nơi tạo ra sức mạnh nội tại của mỗi con người cũng như cả cộng đồng. Đây là nơi chúng ta thuộc về - điểm khởi đầu để bước ra thế giới, “vũ trụ” nhỏ lưu giữ dấu chân trưởng thành và cái nôi nuôi dưỡng ước mơ.
Sự yêu thương và chia sẻ chính là “điểm chạm” của hàng triệu gia đình. Họ không cần theo đuổi bất kỳ khuôn mẫu nào để trở nên hoàn hảo. Họ chỉ mong cầu tình yêu và sự đùm bọc, nơi đó con cái được an toàn trong vòng tay của người thân yêu, các thành viên được bao bọc trong sự thấu hiểu.
Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019 chỉ rõ bình quân mỗi hộ gia đình có 3,5 người, trong đó tỷ lệ hộ độc thân (chỉ có 1 người) tăng đến 3,7%. Con số này phần nào phản ánh xu hướng thay đổi cấu trúc gia đình: Ngày càng có nhiều người lựa chọn cuộc sống ít ràng buộc về hôn nhân hoặc con cái. Trong khi đó, từ năm 2015, đã có 87,7% người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam có ý định hoặc kế hoạch có con (Báo cáo Phát triển con người, năm 2015). Vẫn còn chặng đường dài để chúng ta xóa nhòa những định kiến, nhưng đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các gia đình không theo khuôn mẫu xưa đang dũng cảm để sống vì bản thân hơn.
Có một điều chắc chắn, dù muôn vàn hình thái, gia đình vẫn là lối đi để chúng ta kiếm tìm hạnh phúc. Những định kiến, chê cười hướng về các gia đình không theo khuôn mẫu chẳng còn phù hợp. Lifebuoy góp thêm tiếng nói bảo vệ, trân trọng bằng cách lan tỏa thông điệp “Safety for all - An toàn cho tất cả”. Đi từ sự thấu hiểu, nhãn hàng kêu gọi mỗi người trong chúng ta xóa bỏ những định kiến “truyền đời”, vì Gia đình cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu, không phải định kiến.
Bình luận