Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu trẻ bị còi xương

Trẻ bị còi xương có thể gặp phải một số vấn đề như chậm bò hoặc đi, mọc răng muộn, chân vòng kiềng, tăng trưởng kém.

Trẻ còi xương biết bò, đi chậm, chân có hình dạng khác biệt. Ảnh: Thesun.

Còi xương là căn bệnh có thể phòng ngừa được, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nhưng cũng dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Với trẻ nhỏ có xương mềm, xương có thể dễ bị uốn cong và tạo ra hình dạng bất thường.

Còi xương thường là do vitamin D thấp (thiếu tiếp xúc ánh sáng mặt trời). Vitamin D giúp cơ thể trẻ hấp thụ canxi và phốt pho từ thức ăn. Không đủ vitamin D gây khó khăn cho việc duy trì mức canxi và phốt pho thích hợp trong xương, có thể gây ra còi xương. Đôi khi các vấn đề về thận cũng gây ra chứng còi xương do ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý vitamin D, canxi và phốt pho.

Triệu chứng cảnh báo

Theo Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne (Australia), nếu con bạn bị còi xương, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng điển hình bao gồm:

- Chân có hình dạng không bình thường, phổ biến nhất là chân vòng kiềng.

- Sưng tấy ở cổ tay, đầu gối và mắt cá chân do các đầu xương to hơn bình thường.

- Mọc răng muộn và các vấn đề về men răng.

- Thóp đóng muộn (phần mềm trên đỉnh đầu của trẻ).

- Xương sọ mềm.

- Tăng trưởng kém.

- Biết bò và đi muộn.

- Gãy xương sau khi bị ngã hoặc chấn thương nhẹ.

Trẻ sơ sinh và trẻ em bị còi xương thường gắt gỏng và cáu kỉnh vì có thể bị đau xương. Đôi khi trẻ bị còi xương có thể có các triệu chứng về lượng canxi rất thấp, chẳng hạn co cứng cơ hoặc co giật. Co giật do canxi thấp chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới một tuổi (nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ lớn hơn).

Trẻ sinh ra từ người mẹ bị thiếu vitamin D nghiêm trọng có nguy cơ cao bị còi xương ngay sau khi hoặc trong vòng vài tháng sau khi sinh. Trẻ sinh non cũng dễ có lượng vitamin D thấp hơn trong cơ thể vì chúng có ít thời gian hơn để nhận được vitamin từ mẹ khi còn trong bụng mẹ.

Trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ cũng có khả năng bị còi xương vì sữa mẹ không chứa đủ vitamin D để ngăn ngừa bệnh này. Vì vậy, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn nên được bổ sung vitamin D.

Tre bi coi xuong anh 1

Còi xương thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh: Familydoctor.

Cách ngăn ngừa bệnh còi xương

Theo Mayo Clinic, bệnh còi xương dễ xảy ra hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ em ăn ít sữa, và ở những trẻ bú sữa mẹ trong thời gian dài mà không bắt đầu ăn dặm ở độ tuổi bình thường (khoảng 4-6 tháng). Để ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ, phụ nữ trong thời gian mang thai nên đảm bảo có lượng vitamin D cần thiết trong cơ thể.

Sau khi trẻ sinh ra, cha mẹ nên bổ sung vitamin D (400 IU mỗi ngày) cho trẻ và tiếp tục cho đến khi trẻ được ít nhất một tuổi. Trẻ 4-6 tháng tuổi nên được làm quen với thức ăn rắn. Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên cần bổ sung đủ canxi và phốt pho trong chế độ ăn (2-3 khẩu phần sữa mỗi ngày). Nếu con bạn bị dị ứng sữa, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về các lựa chọn thay thế.

Một số thực phẩm giàu vitamin D bao gồm: Cá béo tươi (cá hồi, cá trích, cá thu và cá mòi), gan, một số loại nấm và lòng đỏ trứng. Một số thực phẩm có bổ sung vitamin D, chẳng hạn bơ thực vật và một số ngũ cốc ăn sáng hoặc các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, thực phẩm chỉ cung cấp một lượng nhỏ (10% hoặc ít hơn) nhu cầu vitamin D hàng ngày. Vì vậy, bạn nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời an toàn trong khoảng thời gian nhất định (10-15 phút vào gần giữa trưa).

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Những sai lầm khi ăn dặm khiến trẻ còi xương và chậm lớn

Rất nhiều bà mẹ ninh nước xương để nấu bột, cháo cho con ăn vì cho rằng nó nhiều chất bổ và giàu canxi.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm