Dầu dưỡng da là trào lưu làm đẹp của các beauty blogger trên thế giới nhưng còn khá xa lạ với phụ nữ Việt Nam. Các chuyên gia làm đẹp cho rằng dầu dưỡng là chìa khóa giúp phái đẹp sở hữu làn da khỏe mạnh.
Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam khá e ngại với các loại dầu dưỡng cho da mặt. Do đặc trưng khí hậu nhiệt đới, đa số người Việt sở hữu làn da thiên dầu. "Da dầu nhưng lại dùng dầu dưỡng? Điều này có làm da bí bách và gây mụn không?" Do không tìm hiểu kỹ, nhiều người bỏ qua bước dưỡng da được xem là bí quyết vàng này.
Vì tính chất chuyên biệt, dầu dưỡng là bước khóa ẩm cuối cùng, được xem như bước nâng cao trong một quy trình làm đẹp. Có rất nhiều loại dầu dưỡng phù hợp cho mọi loại da - từ da khô, dầu đến cực kỳ nhạy cảm.
Dầu dưỡng da là bước dưỡng mang lại đột phá cho làn da căng bóng, mịn màng. |
Dầu dưỡng da là gì?
Dầu dưỡng da được chiết xuất từ các loại hạt trong thiên nhiên, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các omega, acid béo và chất chống oxy hóa. Từ lâu, dầu dưỡng được phụ nữ nước ngoài sử dụng bởi độ lành tính và hiệu quả vượt trội chúng mang lại.
Hiện trên thị trường có 3 loại dầu dưỡng da phổ biến:
- Dầu nguyên chất (Pure Oil) được nhiều người lựa chọn bởi độ tinh khiết. Dầu được ép từ một loại hạt duy nhất, không pha thêm bất kỳ chất nào khác.
Các loại dầu dưỡng thường ghi chính xác thành phần và loại dầu trên nhãn. |
- Dầu nguyên chất trộn nhiều loại với nhau (Pure Blended Oil) nhưng không thêm bất kỳ công thức hóa học khác vào. Mục đích chính là để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề về da, hoặc kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm.
- Dầu pha có hoạt chất (Oil with Active Ingredients) như vitamin, chất làm trắng, hương liệu, chất bảo quản... Vì có thêm thành phần hóa học, những làn da nhạy cảm nên lưu ý trước khi sử dụng loại dầu này.
Tác dụng của dầu dưỡng đối với da
Các tế bào da ở phần sừng được gắn kết bởi các lipid biểu bì, tạo nên hàng rào bảo vệ và giữ ẩm. Lớp màng lipid này còn có công dụng duy trì sự tiết bã nhờn, giúp da mềm mại và chống lại các tác nhân xấu từ môi trường.
Theo thời gian, lớp màng này dần mất đi công dụng của nó do các nguyên nhân như lão hóa, ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường, thói quen ăn uống không điều độ, giờ giấc sinh hoạt thất thường... Lúc này, da trở nên khô ráp và sần sùi, lượng nước ở biểu bì mất đi nhanh chóng, những bạn da nhạy cảm sẽ bị nổi mẩn, dễ kích ứng hơn.
Dầu dưỡng có công dụng hiệu quả trong việc bảo vệ lớp màng lipid có trên da. |
Dầu dưỡng da có thể khôi phục và bổ sung lớp màng lipid bảo vệ da. Các acid béo có lợi trong dầu dưỡng đóng vai trò trung gian giúp phục hồi và bảo vệ làn da thương tổn.
Ngoài ra, vitamin và những dưỡng chất có lợi trong dầu dưỡng còn có khả năng tái tạo tế bào da mới, chống lão hóa, làm trắng, làm mềm da hơn từng ngày.
Đâu là loại dầu thích hợp cho bạn?
Việc xác định đúng loại da để chọn dầu dưỡng thích hợp là điều tương đối khó với những bạn mới biết đến sản phẩm này. Về cơ bản, dầu dưỡng da thường chứa nhiều acid béo, phổ biến nhất là nhóm Omega 6 (Lin-Oleic Acid) và Omega 9 (Oleic Acid).
Loại dầu dưỡng có tỷ lệ olieic acid (OA) cao thường đặc hơn và thấm lâu. Vì vậy, chúng có vai trò nuôi dưỡng da đang bị lão hóa và làm mềm da khô, bong tróc.
Dầu có chứa nhiều linoleic acid (LA) giúp tăng cường kết nối các sợi tế bào, tăng độ đàn hồi da. Dầu có tỷ lệ linoleic acid cao có kết cấu mỏng, nhẹ để các hoạt chất thấm sâu hơn vào lớp biểu bì, cân bằng lượng dầu thừa có trên da. Vì vậy, đây là loại dầu phù hợp với da dầu, mụn và lỗ chân lông to.
Phải xác định đúng loại da để chọn ra loại dầu dưỡng thích hợp. |
Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn nên chọn một trong những loại dầu dưỡng sau tùy vào tình trang da của mình thế nào.
- Da khô: dầu bơ (65% OA), dầu oliu (78% OA), dầu hạt phỉ (79% OA)...
- Da dầu mụn, nhạy cảm: dầu hạt nho (71% LA), dầu hoa tầm xuân - rosehip oil (44% LA), dầu argan (37% LA)...
Với những bạn da thường, việc lựa chọn dầu dưỡng da tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu sử dụng dầu dưỡng, dầu rosehip và argan là 2 loại dầu khuyên dùng vì nó không tạo cảm giác bí bách lại có hiệu quả đặc trị cao.
Kỳ sau: Sử dụng dầu dưỡng da sao cho hiệu quả?