Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người nhấn mạnh hình tượng cây tre. Tại các hội nghị ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo ngành ngoại giao và những người làm công tác ngoại giao suy nghĩ về điều này.
Theo giải thích của PGS.TS Dương Văn Quảng, cây tre là một trong những cây biểu tượng của Việt Nam. Rễ cây tre bám rất sâu xuống đất, nếu liên tưởng đến ngoại giao thì gốc tre chính là truyền thống. Ngoại giao hiện đại phải bắt nguồn từ truyền thống mà cha ông ta xây dựng nên, được đúc kết lại thành truyền thống ngoại giao hòa hiếu. Gốc rễ của ngoại giao hiện đại xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao từ năm 1946, thông qua những dấu mốc lịch sử như Hiệp định Geveve và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngoại giao hiện nay và sau này phải tiếp tục dựa trên nền tảng đó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch HĐNN và HĐBT Cuba Raul Castro Ruz (La Habana, 29/3/2018) Ảnh: Trí Dũng - TTXVN. |
Thân cây tre là toàn bộ quan điểm, đường lối của Việt Nam về quan hệ quốc tế và các vấn đề quốc tế, về các đối tượng đối tác khác nhau. Thân cây tre cũng mang hàm ý về lợi ích quốc gia dân tộc, tùy thuộc vào mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn. Người làm ngoại giao mà không biết nước mình muốn điều gì thì không làm được. Theo PGS.TS Dương Văn Quảng, lợi ích quốc gia không chỉ là vấn đề kinh tế - chính trị, mà còn là câu chuyện chủ quyền, chế độ, về cả truyền thông, thông tin, văn hóa...
Ngọn cây tre thể hiện cách chúng ta thích ứng với bên ngoài, khi môi trường luôn thay đổi, luôn chuyển động. Dù ngọn tre chuyển động ra sao vẫn phải gắn bó với thân và gốc, càng mềm bao nhiêu càng phải nhờ phần gốc và thân bấy nhiên. Bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam là vững về gốc, chắc phần thân và mềm dẻo phần ngọn.
PGS.TS Dương Văn Quảng đánh giá ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ vào tháng 7/2015, với cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và hội đàm với ông chủ Nhà Trắng tại trụ sở Trung ương Đảng, một điều cũng chưa từng có tiền lệ. Cũng trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Theo PGS.TS Dương Văn Quảng, trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay, các cường quốc đang cạnh tranh nhau rất gay gắt, theo đuổi những quan điểm và chính sách rất khác nhau. Ông cho rằng trong những mối quan hệ phức tạp như vậy, Việt Nam có quan hệ tốt và mời được lãnh đạo cả 3 nước đến thăm thể hiện bản sắc của ngoại giao cây tre Việt Nam. “Chính bản sắc đó giúp chúng ta mời được họ đến đây và khiến họ chấp nhận những suy nghĩ của chúng ta về các vấn đề thế giới, về khu vực, về quan hệ song phương”, ông nói.
PGS. TS Dương Văn Quảng cho rằng những hoạt động đó mang lại những đóng góp quan trọng cho lợi ích quốc gia của Việt Nam, đồng thời thể hiện chính sách ngoại giao hòa hiếu, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...