Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu ấn khó quên của những quản giáo trại giam trực Tết

Tết đến, ai cũng muốn được sum vầy cùng người thân song vẫn có rất nhiều quản giáo phải đón giao thừa trong trại giam, thậm chí trong bệnh viện vì phạm nhân bất ngờ đau bụng đẻ.

Với các quản giáo có thâm niên công tác ở trại giam thì đêm giao thừa, những tiếng hô: “Cán bộ ơi, cứu…”, “ối giời ơi, chết mất”… đều có thể xảy ra mà nguyên nhân rất “lãng nhách” nhưng cũng khiến quản giáo trực Tết phải thót tim.

Cùng phạm nhân đón giao thừa trong nhà hộ sinh

Nhắc lại lần đón giao thừa ở bệnh viện trong trạng thái tất bật của người đưa phạm nhân đi đẻ, Thiếu tá Lê Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ trinh sát phân trại 4, trại giam số 5, Bộ Công an bảo, chưa có cái Tết nào chị vất vả như thế. Theo chị Tuyết thì chuyện quản giáo đưa phạm nhân đi bệnh viện điều trị, thậm chí đi đẻ là chuyện thường tình nhưng Tết năm đó, cả ba ngày trực Tết, chị phải ba lần đưa phạm nhân đi viện và cũng chừng ấy lần đón những đứa trẻ oe oe cất tiếng khóc chào đời từ tay hộ lý.

Lần đó cách đây ba năm, ca trực của chị Tuyết bắt đầu từ chiều 28 Tết, hết ca là sáng mồng một của năm mới. Bên nội, bên ngoại đều ở xa nên vợ chồng chị bàn nhau xin trực cùng ca để khi được nghỉ, cùng đi chúc Tết quê nội, quê ngoại. 

Vào nhận ca từ chiều 28 Tết, chị được đồng đội bàn giao một phạm nhân đang nằm dưới bệnh xá của phân trại, chờ sinh nở. Ngay tối đó, phạm nhân nữ trên được đưa ra bệnh viện và cho ra đời một bé trai kháu khỉnh. Cả đêm nằm đất, nhường giường cho phạm nhân - lúc này là sản phụ mới sinh nằm, chị Tuyết còn đau ê ẩm cả lưng thì nhận được tin lại một phạm nhân nữa chuẩn bị trở dạ. Nháo nhào quay về trại, quãng đường 50 cây số từ bệnh viên Đa khoa Thanh Hóa về trại 5. Vừa mệt, vừa đói, lại vừa lo lắng cho công việc ở trại, chị Tuyết càng sốt ruột hơn khi gọi điện cho y sỹ bệnh xá nhưng không có người cầm máy. Chị đoán chắc y sĩ này đã xuống buồng phạm nhân rồi vì theo nguyên tắc, mọi người xuống phân trại nơi phạm nhân ở đều phải để máy điện thoại ở tại nơi làm việc.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, chị Tuyết mới có mặt ở đơn vị, còn chưa kịp uống ngụm nước đã nhận được những lời hối thúc: "Nhanh lên, đưa phạm nhân đi viện kẻo không kịp". Lại một lần nữa quay lại bệnh viện, tìm vào khoa Sản, chị Tuyết khiến nhiều người ngạc nhiên vì cứ tưởng chị có nhiều người thân sinh đẻ dịp đó. Vừa lo làm thủ tục cho sản phụ nhập viện, chị Tuyết vừa phải canh chừng bởi họ là phạm nhân, thấy cán bộ sơ hở là tìm cách bỏ trốn.   

Trao quà gia đình gửi cho phạm nhân trong dịp Tết.

“Với mình, họ là phạm nhân phải canh coi nhưng với các y bác sĩ trong bệnh viện thì họ là bệnh nhân, mọi thủ tục, giấy tờ cứ theo quy định mà thực hiện nên nhiều lúc rất phiền phức”, chị Tuyết tâm sự. Bệnh viện tuyến trên nên lúc nào cũng đông người tới điều trị trong khi phạm nhân đi viện đúng theo tiêu chuẩn, chế độ nên chuyện cán bộ đi theo phải nằm đất là chuyện thường tình. Đấy là chưa kể, nhiều lúc cán bộ còn phải làm giấy cam đoan, bảo lãnh thì bệnh viện mới tiến hành phẫu thuật. Thế nên mới có cảnh, phạm nhân bình thản nằm chờ bác sĩ phẫu thuật trong khi bên ngoài, cán bộ cứ khấn thầm để phạm của mình mẹ tròn con vuông…

Hai ca phạm đẻ vắt từ tối 28 sang ngày 29, vậy mà Tết năm đó, chị Tuyết vẫn chưa có được giây phút tận hưởng thời khắc sang canh bởi đúng đêm giao thừa, lại thêm một phạm nhân nữa nhập viện. Đó là một phạm nhân cao tuổi tên Minh, nhà ở Hà Nội. Đang vui vẻ ăn bữa cơm tất niên với chị em trong buồng, Minh bỗng nằm vật ra, ôm bụng quằn quại. Đưa vào bệnh xá, bác sĩ chẩn đoán bị u xơ tử cung, cần phải tức tốc đưa đi bệnh viện.

Thế là lần thứ ba, chị Tuyết lại một lần nữa quay lại bệnh viện mà chỉ toàn có mặt ở khoa Sản. Ca trông phạm nhân ở bệnh viện này với chị Tuyết là vất vả nhất bởi đúng dịp Tết nên dù đã liên lạc với người nhà phạm nhân, họ vẫn không thể vào kịp để cùng hỗ trợ. Một mình chị Tuyết với hai người nữa trở thành hộ lý bất đắc dĩ. Minh to khỏe, cao lớn, vừa mổ xong còn yếu nên mỗi khi có nhu cầu sinh hoạt, chị Tuyết và một cán bộ nữa phải dìu và nâng đỡ Minh.

Giật mình từng âm thanh lạ

Là người có thâm niên 25 năm công tác trong trại giam, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó đội quản giáo phân trại 3, trại giam Quyết Tiến, Bộ Công an có tới 2/3 thời gian đón giao thừa trong trại giam. Trong số những lần ăn Tết ở trại ấy, có cái Tết suôn sẻ song cũng có nhiều cái Tết chẳng bữa nào ra bữa nào vì vừa bưng bát lên thì nghe tiếng phạm gọi: “Cán bộ ơi”.

Chủ nhân của những tiếng kêu ấy không gọi đồng thanh mà chỉ những người vì nhớ chồng con, nhớ nhà hay vì nhiều lý do khác... chẳng biết cầu cứu ai thì gọi cán bộ. Anh Hùng bảo, bình thường nghe tiếng phạm nhân gọi cán bộ đã giật mình, huống hồ là những ngày Tết, lòng người thường hay dao động, dễ lấn cấn vì những hồi tưởng về quá khứ, gia đình mà có hành động bột phát. Thế nên, trực Tết với những cán bộ trại giam, trông thì có vẻ nhàn tản vì tất cả phạm nhân đã ở trong rào vây nhưng lại vất vả gấp nhiều lần so với ngày thường. Theo anh Hùng, ngày Tết lượng cán bộ đi làm so với ngày thường cũng ít hơn nhưng công việc thì không đơn thuần chỉ là canh coi, quản lý mà còn phải vui chơi với phạm nhân, đến từng buồng giam chúc Tết.

 “Thường thì đêm 30 là vất vả nhất bởi thời khắc bước sang năm mới dễ khiến người ta xúc động mà không kiềm chế được, dẫn đến những hành động nổi loạn. Thế nên, bỗng nhiên thấy không gian im ắng, chợt rộ lên tiếng cười... âm thanh lạ nào cũng khiến chúng tôi giật mình, cảnh giác”, anh Hùng kể. 

Lại một mùa xuân nữa đến, phạm nhân và quản giáo tích cực sửa soạn để có một cái Tết vui vẻ, đầy màu sắc. Nhiều trò vui chơi giải trí dành cho các phạm nhân đã được chuẩn bị. Ngoài việc thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đánh cờ... trại còn tổ chức thi câu đối tết, mâm ngũ quả đẹp, buồng giam ngăn nắp… “Cán bộ cũng có những trận thi đấu, phạm nhân cũng vậy, phần thưởng chỉ là xà phòng, bàn chải đánh răng, mì tôm, bánh kẹo nhưng nó khích lệ tinh thần mọi người rất nhiều”, nữ Phó Giám thị duy nhất ở trại giam số 5 nói. 

Theo Công Lý

Bạn có thể quan tâm