Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Dấu ấn 100 ngày đầu nhậm chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trong 100 ngày sau nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những dấu ấn riêng, trong bối cảnh Chính phủ phải thực hiện 2 nhiệm vụ khó khăn, chống dịch và phát triển kinh tế.

Trong 100 ngày sau nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những dấu ấn riêng, trong bối cảnh Chính phủ phải thực hiện 2 nhiệm vụ khó khăn, chống dịch và phát triển kinh tế.

Chuyên gia cho rằng sau 100 ngày nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng bước ghi được những dấu ấn nhất định.

“Có lẽ, ít thủ tướng nào phải đối mặt với nhiều thách thức và với sự dồn nén công việc trong 100 ngày đầu tiên như Thủ tướng Phạm Minh Chính”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói với Zing.

Trong khi đó, nhiều ý kiến ghi nhận những nỗ lực bước đầu của Thủ tướng và Chính phủ mới kiện toàn bằng số liệu kinh tế - xã hội ở mức khả quan. Tuy vậy, trong tương lai, thách thức về khống chế dịch bệnh, phục hồi kinh tế, để Việt Nam không “lỡ nhịp” hội nhập vẫn là bài toán hóc búa.

TS Nguyễn Sĩ Dũng dùng từ “núi công việc” để nói về 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông so sánh Thủ tướng của các nước có thể tập trung 100% thời gian cho công việc điều hành ngay, thì Thủ tướng Phạm Minh Chính còn phải dành rất nhiều thời gian cho hoạt động bầu cử. Công việc đã bắt đầu, nhưng nhiệm kỳ vẫn chưa bắt đầu là một sự khác biệt rất dễ nhận thấy.

Theo đó, Quốc hội bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng vào ngày 5/4, như vậy 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở đánh dấu ở mốc 14/7. Nghĩa là, 100 ngày đầu tiên làm Thủ tướng của ông đã kết thúc trước khi nhiệm kỳ chính thức bắt đầu.

“Núi công việc” còn thể hiện ở việc Thủ tướng vừa phải điều hành kinh tế - xã hội, vừa chỉ đạo cuộc chiến chống dịch Covid-19, vừa tham gia công tác bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

“Ông ấy phải đối mặt với một núi công việc. Nhưng qua núi công việc ấy, dấu ấn điều hành của Thủ tướng mới cũng đã dần rõ nét”, TS Nguyễn Sĩ Dùng nhận định.

Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng dấu ấn của người đứng đầu Chính phủ là nhanh chóng xác lập các ưu tiên chiến lược và tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy các ưu tiên đã được đề ra. Ông ấn tượng về “chiến lược vaccine” và coi đó là một ví dụ cụ thể.

Vừa nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận ra chỉ có tiêm chủng mới giúp đạt được miễn dịch cộng đồng, mới là giải pháp quyết định để chiến thắng đại dịch Covid-19. Sau đó, ông tập trung ngay mọi nỗ lực của mình cho công việc này.

Một cách nhanh chóng, quỹ vaccine được thành lập huy động sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế. “Chiến lược vaccine” cũng được cụ thể hóa bằng “ngoại giao vaccine”.

Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trên thế giới, các tổ chức quốc tế đều kêu gọi vận động tài trợ vaccine. Riêng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng vậy, đều kêu gọi vận động tài trợ vaccine một cách tối đa.

Chính phủ và Thủ tướng cũng động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mua vaccine cho đất nước. Riêng người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp đi thăm động viên, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước…

“Đó là hàng loạt những cố gắng không mệt mỏi của ông. Có vẻ Thủ tướng Phạm Minh Chính là một người thực tiễn, nói ít, làm nhiều. Ông quan tâm đến các công việc nhiều hơn là các bài phát biểu”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

Đồng quan điểm, PGS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng ấn tượng với “chiến lược vaccine” mà Thủ tướng và Chính phủ mới kiện toàn nỗ lực theo đuổi. Ông cho rằng chỉ có vaccine mới giúp đạt miễn dịch cộng đồng, giúp nền kinh tế sớm trở lại bình thường, phục hồi sau dịch.

Thậm chí nếu chậm trễ trong việc thực hiện chiến lược vaccine có thể khiến kinh tế Việt Nam lỡ nhịp hội nhập với kinh tế thế giới, khi nhiều nước đã dần phục hồi sau đại dịch.

PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng khi đánh giá Chính phủ mới kiện toàn và Thủ tướng, cần nhìn ở 3 góc độ. Đó là tinh thần vào cuộc; hành động, chính sách cụ thể đã triển khai và kết quả sơ bộ.

dau an 100 ngay dau cua Thu tuong Pham Minh Chinh anh 1

"Có thể cảm nhận Thủ tướng mới là quyết liệt và cụ thể. Tinh thần vào cuộc của Chính phủ mới kiện toàn là rất nhanh chóng”, ông nhận định.

Từ góc nhìn một chuyên gia kinh tế, ông ấn tượng với “chiến lược vaccine” có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế trong hiện tại và tương lai. Với sự bùng phát mạnh của dịch và biến chủng mới SARS-CoV-2, Chính phủ mới kiện toàn đã rất nhanh chóng chuyển hướng chống dịch theo nguyên tắc “5K + vaccine”.

“Đó là điều rất đúng đắn, nhanh chóng và thực tế”, ông nhận định.

Về các chính sách và hành động đã ban hành, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đánh giá vừa có sự kế thừa, vừa có sự sáng tạo trong bối cảnh mới, chung quy là bám sát đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.

Ông dẫn ví dụ cách Chính phủ ban hành và thực hiện gói hỗ trợ mới cho người lao động và người sử dụng lao động rất nhanh chóng quyết liệt. Chính phủ đã nhiều lần thảo luận, thảo luận kỹ để những người yếu thế trong xã hội, người lao động tự do có thể nhận được hỗ trợ một cách nhanh chóng và thông thoáng nhất. Việc giải ngân gói 26.000 tỷ đã được triển khai ngay, nhiều người đã nhận được tiền.

Các chính sách giãn, hoãn tiền thuế và sử dụng đất, chính sách giảm lãi suất ngân hàng, chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương chống dịch… đều cho thấy sự hành động ngay, sâu sát. Thủ tướng cũng gắn trách nhiệm cá nhân cho các trưởng ngành vào những công việc cụ thể.

Về những kết quả cụ thể, PGS TS Bùi Quang Tuấn cho rằng đã có các số liệu cụ thể, minh chứng cho những thành tích cơ bản. Thành tích tăng trưởng 6 tháng đầu năm 5,64% không quá cao, nhưng là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh.

Các nền tảng kinh tế như xuất khẩu tăng hơn 28%, lạm phát thấp nhất trong 6 năm gần nhất, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng, thu hút FDI được gần 15 tỷ USD

dau an 100 ngay dau cua Thu tuong Pham Minh Chinh anh 2

“Đó là những con số đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn như năm nay. Và đó là những thành công bước đầu của Chính phủ mới”, ông chia sẻ.

Ông nhắc đến việc một số tổ chức quốc tế vẫn đánh giá triển vọng tăng trưởng cao cho Việt Nam trong năm nay. Standard Chartered hay World Bank đều đang dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% trong năm nay.

Chuyên gia cho rằng dù đạt được những kết quả bước đầu, thách thức cho Chính phủ và Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là việc đưa cuộc sống trở lại bình thường.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng khi các biến thể của SARS-CoV-2 càng nguy hiểm, thì Chính phủ sẽ phải giải bài toán ngày càng khó khăn hơn, khi phải cân đối giữa bảo vệ sức khỏe của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài ra, vượt qua dịch bệnh là một việc, bắt kịp với thế giới lại là một việc khác. Việt Nam có thể đã đi trước thế giới trong việc khống chế dịch bệnh, nhưng rủi ro về sau trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng là rất lớn.

“Về sau có nghĩa là trở lại với cuộc sống bình thường sau. Mà như vậy thì cơ hội phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ khác hơn cho người về muộn”, ông nói.

dau an 100 ngay dau cua Thu tuong Pham Minh Chinh anh 3

Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nói rằng đại dịch cũng lấy đi rất nhiều nguồn lực của đất nước. Khi đó, Chính phủ sẽ phải đối mặt với việc thiếu hụt các nguồn lực để thúc đẩy các ưu tiên chiến lược như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

“Chắc chắn đó là một thách thức rất lớn mà Thủ tướng phải đối mặt”, ông nói.

PGS TS Bùi Quang Tuấn cho rằng thách thức mà Chính phủ phải hành động nhanh là “bảo toàn lực lượng” doanh nghiệp và bảo vệ các “đầu tàu kinh tế”. Ông mong muốn sớm có chính sách “đón trước, đánh chặn từ xa” ở những địa phương có nguy cơ cao bùng dịch, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn, đầu tàu về xuất khẩu. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải quyết liệt và quyết đoán hơn nữa, có cái nhìn xa.

“Việc bảo vệ các đầu tàu kinh tế cũng là bảo đảm cho kết quả tăng trưởng. Hà Nội và TP.HCM chiếm gần 40% GDP cả nước, nếu 2 đầu tàu này đều bị dịch càn quét thì nền kinh tế rất khó đi nhanh”, ông nói.

Điều thứ hai, ông Tuấn nói đến bài toán bảo vệ các doanh nghiệp tránh phá sản, rời khỏi thị trường. Ông cho rằng những doanh nghiệp đã trụ sau 1,5 năm có dịch là những doanh nghiệp rất bền bỉ, cũng đã dần tới hạn. Đây đều là những doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm, quy mô nhất định, nếu bị phá sản là thiệt hại không nhỏ cho đất nước.

“Cũng cần rà soát lại mọi động lực mới, cái gì có thể khơi thông thì phải tận dụng triệt để”, ông nói.

Từ Trường chính sách công và quản lý Fulbright, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng Chính phủ mới phải giải quyết tình huống cấp bách trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hay người lao động mất việc mà cả những doanh nghiệp vẫn đang sản xuất. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm mà Nhà nước phải tăng chi ngân sách, không chỉ là công tác phòng chống dịch trực tiếp mà là nguồn tài chính được chi trực tiếp cho các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.

“Đây là lúc cần có quyết định mạnh mẽ từ Chính phủ”, ông nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh lúc này Chính phủ cần phải xác lập các ưu tiên chiến lược đúng đắn, và đó là những thử thách cho không chỉ Thủ tướng mà còn các thành viên Chính phủ.

“Điều hành thiên về kỹ trị, nói ít, làm nhiều là một thế mạnh rất lớn của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chúng ta có cơ sở để tin rằng ông sẽ chèo lái các công việc của đất nước vượt qua mọi thách thức”, TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.

Hiếu Công

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm