Lang thang quanh những tiệm thuốc đông y tại khu Vượng Giác (Hong Kong), người ta dễ dàng tìm thấy đông trùng hạ thảo, một loại sinh vật nhỏ như sâu, bị nhồi nhét trong các lọ lớn nằm nổi bật trên kệ thuốc.
Theo South China Morning Post, hầu hết những chủ tiệm thuốc trên địa bàn cho biết, những con đông trùng hạ thảo này có nguồn gốc từ Tây Tạng, Tứ Xuyên hoặc Thanh Hải. Một vài bảng hiệu của tiệm ghi “Đảm bảo chất lượng, có giấy phép của chính phủ” và “Đông trùng hạ thảo nguồn gốc từ Tây Tạng”.
Tuy nhiên, việc xác minh nguồn gốc và chất lượng của thuốc đông y bán tại Hong Kong rất khó khăn.
Đông trùng hạ thảo tràn ngập trên thị trường với các mức giá khác nhau. Ảnh: SCMP |
Albert Wong, chủ tịch của Hiệp hội Quốc tế Đông Y Hiện đại (một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia kinh doanh Hong Kong, những người nuôi dưỡng và thúc đẩy việc hiện đại hóa và quốc tế hóa y học Trung Quốc), muốn thay đổi điều đó.
“Hiện đại hóa đông y thực sự là một cuộc cách mạng. Chúng tôi cần tiết lộ đầy đủ toàn bộ quá trình sản xuất, từ lấy thuốc đến bán sản phẩm”, ông nói.
Wong là một trong những người ủng hộ Chương trình Chứng nhận Thuốc Đông Y, một sáng kiến ra mắt vào năm 2015 nhằm quản lý tốt hơn việc mua bán, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận của ngành đông y bằng cách cải thiện khả năng cạnh tranh và niềm tin vào dược phẩm.
Hiện tại, chỉ một số ít người tham gia đăng ký chương trình được chính phủ hậu thuẫn trong khi khoảng 3.200 hiệu thuốc tại Hong Kong bán thuốc đông y. Đông trùng hạ thảo là một ví dụ điển hình về nhu cầu minh bạch đối với ngành này.
Ít nghiên cứu chứng minh tác dụng của đông trùng hạ thảo
Nấm xâm nhập vào trong ấu trùng của bướm ma, phát triển bên trong cho đến khi giết chết vật chủ. Khi tuyết tan, một chồi non mọc ra từ vỏ của ấu trùng đã chết.
Trong tiếng Tây Tạng, đông trùng hạ thảo được biết đến như yartsa gunbu – “cỏ mùa hè, sâu mùa đông” - trong khi tên khoa học là Cordyceps Sinensis. Nó cũng được coi là một loại thuốc kích thích tình dục, do đó, tên khác của nó là Himalayan Viagra, dù rất ít nghiên cứu khoa học phục vụ cho kết luận về tác dụng của loại thuốc này đối với sức khỏe, tình dục hoặc các phương diện khác.
Vào mùa hè, một mầm non nhú ra từ xác của ấu trùng nhiễm nấm. |
Một trong những tài liệu sớm nhất nói về lợi ích sức khỏe của đông trùng hạ thảo được ghi trong Ben Cao Cong Xin, một cuốn sách đông y cổ truyền xuất bản vào năm 1757. Cuốn sách này mô tả đông trùng hạ thảo là “loại thuốc nhẹ và giảm đau trong tự nhiên, dùng để tăng cường chức năng phổi và thận, cầm máu, tan đờm, cắt cơn ho”.
Hiện tại, nó được xem là một loại thuốc bổ có tác dụng tăng cường sức khỏe quanh năm cho mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, cải thiện chức năng gan và thận, giữ gìn sức khỏe tim mạch, điều trị ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Những thông tin này đã đẩy giá thành của đông trùng hạ thảo lên cao. Tại Hong Kong, chỉ một lượng nhỏ đông trùng hạ thảo có thể đáng giá hàng nghìn USD. Giá cả thay đổi tùy theo kích cỡ và chủng loại. Một công ty tại Hong Kong đang bán loại sinh vật này với giá 485 – 5.855 USD/ lạng, trong khi giá vàng là 1.604/lạng.
Giá cao, thuốc giả ngập thị trường
Trên cao nguyên Tây Tạng, nơi mà hầu hết đông trùng hạ thảo được thu hoạch, các nhà môi trường học cho biết, loại sinh vật này đang trên bờ vực tuyệt chủng và không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng (2 nhà nghiên cứu tới từ khoa sinh học thuộc trường Đại Học Massachusett viết trong một bài báo cáo vào năm 2013 về Bảo tồn Sinh học. Bài báo cáo nói rằng tác động của thương mại và biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh quá trình biến mất của đông trùng hạ thảo với tốc độ đáng ngạc nhiên).
Nguồn thu nhập đáng giá đối với người dân Tây Tạng ở vùng nông thôn, những người thu hoạch đông trùng hạ thảo từ tháng 5 tới tháng 7, cũng thu hút người ngoài tràn vào khu vực để thu thập loại sinh vật này. Các chuyên gia đông y tại Hong Kong, gồm Wong, quan ngại rằng nhu cầu lớn sẽ dẫn tới tình trạng thuốc giả xâm chiếm thị trường.
Wong, người đã thành công trong việc bán đông trùng hạ thảo xuất xứ từ Bhutan trong vài tháng thông qua website thiết lập vào năm 2014, hoài nghi về những gì được mua bán tại các hiệu thuốc.
Trong khi đó, Lin Zhi Xiu, một chuyên gia về đông y tại Đại học Hong Kong, cho biết, nhu cầu về đông trùng hạ thảo khiến các gian thương tìm cách tăng lợi nhuận của họ bằng cách làm giả thuốc.
“Dù có thể đỡ hơn so với đại lục, những thương lái ở Hong Kong làm giả hoặc trộn thêm các thành phần khác vào lọ đựng đông trùng hạ thảo”, ông nói.
Ông cho rằng, các nhà phân phối phải dán thêm nhiều thông tin trên các lọ thuốc nhằm thông báo tốt hơn đến các khách hàng.
"Thông thường, thông tin được chia sẻ giữa khách hàng và chủ tiệm chỉ đơn thuần dựa vào những tờ giấy nhỏ dán trên lọ. Quá trình này không minh bạch", Lin nhận định.
Trước đó, hồi tháng 2, giới đông y rúng động trước vụ việc Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc (CFDA) đưa ra lời nhắc nhở đối với người tiêu dùng về các sản phẩm đông trùng hạ thảo bị phát hiện chứa hàm lượng asen quá mức cho phép, điều này có nghĩa là sử dụng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các nhà bán lẻ tham gia chương trình chứng nhận do chính phủ hậu thuẫn một cách chậm chạp, nhưng điều này không ảnh hưởng đến niềm đam mê của Wong dành cho đông y.
“Hong Kong nên tự biến mình trở thành một trung tâm đảm bảo về chất lượng trong việc mua bán thuốc đông y đối với cả trong nước và quốc tế. Một tiêu chuẩn phổ quát nên được áp dụng cho đông y nhằm xây dựng niềm tin của khách hàng.
Làm ra dược liệu tốt nhất là cốt lõi trong việc phát triển ngành đông y Trung Quốc”, ông nói.
Bên cạnh đó, giáo sư P.C. Shaw thuộc trường Đại học Hong Kong cho biết, ông có thể giúp kiểm tra chất lượng của đông trùng hạ thảo bằng cách phát triển kỹ thuật cho việc kiểm tra DNA trong mẫu thí nghiệm.
“Mục tiêu của chúng tôi là xác thực đông trùng hạ thảo trên thương trường hoặc trong các cửa hàng dược phẩm”, Shaw chia sẻ.