Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạp xe, chạy bộ lây Covid-19 là nghiên cứu vô giá trị

Gần đây, một bài viết với chủ đề không nên đi bộ, chạy hay đạp xe gần người khác trong mùa dịch Covid-19 đã gây hoang mang dư luận, khiến nhiều người lo lắng.

Vào đầu tháng 4, một bài viết được đăng trên nền tảng blog Medium cho rằng có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ việc chạy bộ hay đạp xe tập thể dục.

"Vì sao bạn không thể đi bộ, chạy hay đạp xe gần người khác trong mùa dịch Covid-19?", bài viết đăng trên blog của doanh nhân có tên Jurgen Thoelen dẫn nghiên cứu của một giáo sư tại Đại học kỹ thuật Eindhoven, cho rằng những giọt nước bắn ra từ người đi trước có thể trúng vào người đi bộ phía sau với khoảng cách 4-5 m. Nếu đi xe đạp, khoảng cách lên tới 10-20 m.

co nen ra ngoai chay bo mua dich anh 1

Mô phỏng giọt bắn của người chạy phía trước có thể bám vào người phía sau, theo nguyên lý về luồng khí cuộn. Ảnh: Ansys.

"Ở nhiều nước, đi bộ, chạy hay đạp xe là hoạt động được chấp nhận trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, bạn cần chú ý giữ khoảng cách trước những giọt bắn từ người khác khi tập thể dục", bài viết nhận xét.

Bài đăng của ông Thoelen được rất nhiều người chú ý và chia sẻ. Không lâu sau, cộng đồng mạng và chính tác giả nghiên cứu đã nhanh chóng chỉ ra sai lầm của bài viết này.

Chưa nghiên cứu xong đã vội mang lên truyền thông

Ông Bert Blocken, người thực hiện nghiên cứu ban đầu ngay lập tức đính chính mục đích của bản thân. Ông giải thích rằng mình chưa hoàn thành nghiên cứu và công bố, mà chỉ trò chuyện với một tờ báo Bỉ về đề tài này.

Những gì ông Blocken, một chuyên gia công tác tại Đại học kỹ thuật Eindhoven, phân tích thuần túy dựa trên khía cạnh khí động học. Từ hiện tượng luồng khí cuộn để lại phía sau một vật chuyển động (slipstream), ông Blocken mô phỏng khoảng cách mà những giọt nước từ người chạy, đi xe đạp phía trước có thể bắn về phía sau.

Mặc dù nghiên cứu gợi ý rằng mọi người cần đạp xe cách nhau ít nhất 10 m, khoảng cách quá lớn đối với đô thị, ông Blocken cho rằng ý tưởng của mình đã bị hiểu sai.

co nen ra ngoai chay bo mua dich anh 2

Nghiên cứu này khuyên mọi người không nên đi bộ sau người khác ở khoảng cách 5 m, và đi xe đạp ở khoảng cách 20 m. Đây là những con số không thực tế trong đô thị. Ảnh: Ansys.

"Tôi chưa bao giờ khuyên mọi người đừng đi bộ, chạy hay tập thể dục, mà ngược lại. Có lẽ mọi người nên đọc nhiều hơn và phản ứng ít đi", ông Blocken viết trong email gửi tới Vice.

Tuy vậy, việc nghiên cứu chưa được hoàn thiện đã đưa thông tin lên truyền thông là ngược với quy trình thông thường. Vice cho rằng nghiên cứu của ông chưa công bố nên chẳng có gì để đọc. Ngay cả động cơ chia sẻ thông tin của ông Blocken cũng bị nghi ngờ.

"Cuộc khủng hoảng đang rất nghiêm trọng, do đó chúng tôi quyết định làm ngược lại quy trình thông thường. Việc công bố nghiên cứu không thể chờ hàng tháng cho quy trình đánh giá đối chứng. Tôi có một đoạn ngắn thông tin và sẽ đăng lên LinkedIn", ông Blocken viết trên Twitter. Tuy nhiên, thông tin ông đăng lên LinkedIn chỉ là bản dịch của bài báo tiếng Bỉ.

"Cũng phải nói rằng đây là nghiên cứu về khí động học, không phải virus học. Việc đăng tải thông tin lên các tạp chí kỹ thuật cần đối chứng rất lâu, và Covid-19 không thể chờ hàng tháng trời", ông Blocken nói thêm trong email gửi tới Vice.

Không có giá trị về dịch tễ

Cho rằng "đóng góp" của ông Blocken có thể gây hại cho cộng đồng, nhà nghiên cứu dịch tễ William Hanage, làm việc tại Trung tâm Động lực học truyền nhiễm của Harvard khẳng định nghiên cứu này không có giá trị. Ông Hanage thậm chí cho rằng cách bao biện đây là một "đóng góp" chống dịch khiến ông "sôi máu".

"Nghiên cứu như thế này không có tác dụng với những nhà dịch tễ học. Số ca lây lan theo hình thức này ít hơn nhiều so với các trường hợp khác", ông Hanage giải thích.

co nen ra ngoai chay bo mua dich anh 3

Chạy bộ là một trong những phương pháp thể dục được lựa chọn nhiều nhất để giữ sức khỏe mùa dịch. Ảnh: AP.

"Xét trên góc độ dịch tễ học, vị trí của giọt bắn không quan trọng bằng số lượng giọt bắn thông qua hình thức này", ông Hanage nói thêm. Trong cả bài báo gốc tiếng Bỉ lẫn bài viết trên Medium, không có phần nào tính đến số lượng giọt bắn.

Trong phần ghi chú của văn bản, ông Blocken thừa nhận sự nguy hiểm từ các giọt siêu nhỏ vẫn là chủ đề tranh cãi của những nhà nghiên cứu. Trên Atlantic, bài phỏng vấn một số nhà dịch tễ học cho thấy chưa có kết luận thống nhất về khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 khi tập thể dục như chạy bộ, đạp xe.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan phòng dịch ở địa phương đều có những khuyến cáo về luyện tập thể dục thể thao để giữ sức khỏe. Khoảng cách an toàn được khuyến cáo khi tiếp xúc với người khác là 2 m.

Nói với Vice, ông Hanage cho rằng vẫn có thể tập thể dục ở ngoài, miễn là có những biện pháp thích hợp.

"Tôi nghĩ có một sự cân bằng, chỉ cần tránh những hoàn cảnh mà tỷ lệ lây nhiễm từ cộng đồng cao", ông Hanage chia sẻ.

Chuyện gì xảy ra nếu loài người không ho nữa? Nghiên cứu cho thấy người khỏe mạnh sẽ ho 11 lần trong một ngày. Nếu không ho nữa, bản thân bạn sẽ bị nguy hiểm.

Điều chưa rõ về Covid-19 khiến giới khoa học đau đầu

Giới khoa học vẫn đang tìm cách lý giải vì sao Covid-19 gần như không gây triệu chứng với một số người nhưng có thể khiến nhiều bệnh nhân khác trở nên nguy kịch.

Hà My

Bạn có thể quan tâm